Các doanh nghiệp da giày, may mặc có nhiều lao động 35-40 tuổi nghỉ việc sớm. Ảnh: Xuân Hoa.
Tại báo cáo tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm điều chỉnh quy định giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện để hưởng lương hưu xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm (hiện nay quy định 20 năm).
Đồng thời, cơ quan này kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm tự nguyện, nhất là đối tượng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2018 đã có hơn 277.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó, hơn 2.900 người thuộc hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 30% với số tiền trên 1 tỉ đồng; hơn 4.300 người thuộc hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 25% với số tiền gần 2 tỉ đồng và hơn 269.000 người được Nhà nước hỗ trợ 10% với số tiền trên 36 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội, hiện nay mức hỗ trợ đóng bảo hiểm tự nguyện của Nhà nước còn hạn chế, điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu còn dài làm giảm tính hấp dẫn. Mức chi hoa hồng còn thấp, chưa linh hoạt như các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại khác.
Ngoài ra, người dân nhận thức về tác dụng, ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm tự nguyện còn chưa đầy đủ, đa số chưa hình thành ý thức tham gia bảo hiểm tự nguyện lúc trẻ để hưởng lương hưu khi về già. Người lao động khu vực phi chính thức đa phần việc làm không ổn định, thu nhập thấp, không thường xuyên.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được nhận lương hưu khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và thời gian đóng đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Nếu người tham gia đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng chưa đủ 20 năm thì phải đóng cho đến khi đủ 20 năm.