Đề xuất đầu tư 4.000 tỷ đồng xây 10 km cao tốc Bắc Ninh - Phả Lại

0:00 / 0:00
0:00
Đây từng là một phần của Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Ninh – Phả Lại có tổng chiều dài khoảng 20 km được UBND tỉnh Bắc Ninh triển khai theo phương thức BT.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Ninh – Phả Lại, đoạn từ đường vành đai 4 đến Quốc lộ 18.

Theo đó, Dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc Ninh – Phả Lại, đoạn từ đường vành đai 4 đến Quốc lộ 18, có điểm đầu giao với đường vành đai 4; điểm cuối, giao với Quốc lộ 18. Tuyến được thuộc Dự án có chiều dài khoảng 10,3 km.

Đối với đoạn tuyến này hướng tuyến vẫn sẽ thực hiện heo quy hoạch giao thông được phê duyệt tại Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh Bắc Nam đề xuất xây dựng Dự án theo quy mô mặt cắt ngang 100 m, kinh phí thực hiện khoảng 4.000 tỷ đồng bằng ngân sách tỉnh Bắc Ninh và các nguồn hợp pháp khác.

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Ninh – Phả Lại, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (tổng chiều dài khoảng 20 km) được Thủ tướng cho phép đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT vào tháng 1/2020, đồng thời giao UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên ngày 18/6/2020, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP. Vì vậy, Dự án nằm trong diện bãi bỏ thực hiện theo hình thức BT.

Hiện tuyến cao tốc Bắc Ninh – Phả Lại đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh đoạn từ đường vành đai 4 đến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang (khoảng 9,7 km) đã được đưa vào Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội. Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại Tờ trình số 126/TTr-CP ngày 15/4/2022.

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, việc xây dựng đoạn tuyến còn lại, đoạn từ đường vành đai 4 đến Quốc lộ 18 theo hình thức đầu tư công sẽ góp phần đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô, đồng thời tạo động lực phát triển các khu đô thị, công nghiệp trong vùng.

Tin bài liên quan