UBND TP HCM vừa kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành một số giải pháp về thuế nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận nhà ở của người dân.
Theo đó, cơ quan này đề xuất áp dụng mức thuế suất cao đối với bất động sản thứ 2 trở lên và các giao dịch diễn ra trong thời gian ngắn sau khi mua (trong vòng một năm), thường được gọi là đầu tư bất động sản lướt sóng.
Ngoài ra, TP HCM cũng cho rằng cần thu thuế tài sản trên đất và giá trị tăng thêm của bất động sản đó được hưởng lợi từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trên thế giới, một số quốc gia đã áp dụng hình thức thu thuế giá trị tăng thêm với bất động sản tư nhân. Việc thu thuế thường được chia cho 3 giai đoạn: phát triển dự án, quá trình sử dụng bất động sản và khi chuyển nhượng.
Trong đề xuất, UBND TP HCM cũng đề cập đến việc huy động vốn cho bất động sản. Cơ quan này đề xuất Bộ Xây dựng phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, huy động vốn từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, đầu tư tài chính trong và ngoài nước.
Cùng với đó là ban hành cơ chế huy động vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị. Đồng thời, Bộ nên nghiên cứu tạo hành lang pháp lý cho một số công cụ tài chính mới cho thị trường bất động sản phát triển.
Theo UBND TP HCM, trước mắt nên cho phép thí điểm một số công cụ tài chính mới cho thị trường bất động sản như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ tín thác bất động sản REITS, nhằm đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào thị trường này.
Về chính sách nhà ở xã hội, Bộ cần xem xét cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách nhà ở xã hội để tạo thêm nguồn vốn thực hiện chương trình này.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác phân loại đô thị đối với trường hợp TP HCM là đô thị đặc biệt.
Theo báo cáo UBND thành phố, trên địa bàn hiện có 29 dự án phát triển nhà ở quy mô lớn, trong đó có 2 dự án với quy mô sử dụng đất từ 50ha trở lên và 27 dự án có tổng mức đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên hoặc quy mô căn hộ từ 1.500 căn trở lên.