Đề xuất cổ phần hóa tập đoàn nhà nước lớn phải được Quốc hội quyết

(ĐTCK) Nhận định về tiến trình cổ phần hóa DNNN tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015, ông Vũ Mão, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, còn quá chậm và chưa đạt mục tiêu đề ra.
Nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: "Việc cổ phần hóa các tập đoàn nhà nước quy mô lớn cần đươc coi như dự án trong điểm quốc gia và phải được Quốc hội thông qua" (Ảnh: Dân trí)

Nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: "Việc cổ phần hóa các tập đoàn nhà nước quy mô lớn cần đươc coi như dự án trong điểm quốc gia và phải được Quốc hội thông qua" (Ảnh: Dân trí)

Theo ông Mão, có nhiều nguyên nhân, song một lý do lớn là chưa có luật nào của Quốc hội hay là ở mức độ nghị quyết chuyên đề của Quốc hội tập trung đề cập và giải quyết vấn đề này, mà mới chỉ nằm xen kẽ nhẹ nhàng trong Nghị quyết chung của Quốc hội trong năm, ở cấp Chính phủ tuy cũng có Nghị quyết, song vẫn chưa có biện pháp cụ thể để thực hiện bằng được mục tiêu đã đề ra

Theo ông Mão, với tiến độ như hiện nay, khả năng đạt mục tiêu cổ phần hóa trong năm nay là khó thực hiện, do đó cần xác định rõ mục tiêu đến năm nào hoàn thành được cổ phần hóa toàn bộ số DNNN còn lại. Trong đó, đối với các tập đoàn lớn, cần có kế hoạch cụ thể dài hạn để thực hiện được đúng tiến độ mục tiêu, chứ không phải chỉ đặt muc tiêu chung chung như hiện nay.

“Đánh giá đúng tầm vóc của vấn đế trọng đại này, tôi đề nghị cần ban hành luật về cổ phần hóa, trong đó có đầy đủ cụ thể về thủ tục tiến trình, biện pháp cụ thể, hoặc thấp hơn là cần có Nghị quyết của Quốc hội thì mới có thể giải quyết được vấn đề tận gốc và hy vọng cổ phần hóa đi đúng mục tiêu chất lượng và tiến độ”, ông Mão kiến nghị và đề xuất, cần đưa việc cổ phần hóa các tập đoàn nhà nước lớn có quy mô vốn từ tối thiểu 2 tỷ USD trở lên vào Nghị quyết của Quốc hội, được Quốc hội thông qua.

“Việc cổ phần hóa các tập đoàn nhà nước quy mô lớn cần đươc coi như dự án trong điểm quốc gia và phải được Quốc hội thông qua. Dự án có quy mô vốn từ 1,5 tỷ USD được coi là dự án trọng điểm quốc gia. Dự án trọng điểm quốc gia quy trình thông qua quốc hội chặt chẽ như vậy, thì đối với việc cổ phần hóa các tập đoàn có quy mô vốn từ 2 tỷ USD trở lên, thậm chí là từ 3 - 7 tỷ USD hiện nay, tại sao Quốc hội lại không nắm được? Tôi kiến nghị doanh nghiệp lớn có quy mô vốn từ cấp 2 tỷ USD trở lên thì Quốc hội cần ra nghị quyết về cổ phần hóa của tập đoàn đó để đảm bảo không gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước”, ông Mão đề xuất.

Tin bài liên quan