Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Chiều 21/4, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Bộ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm 10 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Đó là cơ chế đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường; tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.
Theo đó, ngoài các quy định tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù (Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Cần Thơ…), thì những chính sách mới và những chính sách tương thích với lợi thế của Khánh Hòa chỉ bao gồm các quy định về tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; điều chỉnh quy trình trong chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm; chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.
Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất một số chính sách thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong những năm qua, Khu Kinh tế Vân Phong đã được xác định là vùng động lực phát triển, là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa.
Tuy nhiên, đến nay, Khu Kinh tế Vân Phong không thuộc nhóm các khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư, không được hưởng các cơ chế ưu đãi về vốn đầu tư hạ tầng, nên nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để xây dựng hạ tầng khu kinh tế cho Khu Kinh tế Vân Phong thời gian qua rất thấp (giai đoạn từ 2012-2021 khoảng 1.280 tỷ đồng), không đáp ứng được nhu cầu đầu tư hạ tầng thiết yếu tại Khu Kinh tế Vân Phong theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khu Kinh tế Vân Phong cũng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tiềm năng để đầu tư các dự án quy mô lớn làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Khu Kinh tế Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Do đó, để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, cần phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh, rõ ràng, thuận lợi, thủ tục đầu tư nhất là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư chiến lược nhằm triển khai thực hiện dự án nhanh chóng, thuận lợi, Bộ trưởng nêu rõ.
Để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Nghị quyết quy định Danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với định hướng ngành nghề, lĩnh vực quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, trong đó xác định quy mô vốn tối thiểu để đảm bảo các dự án có quy mô đủ lớn, thể hiện năng lực của nhà đầu tư chiến lược.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Nghị quyết quy định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế, được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, được tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Đồng thời, dự thảo cũng quy định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện các cam kết nhất là cam kết thực hiện đúng các nội dung và tiến độ tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cam kết không chuyển nhượng Dự án trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược phải có nghĩa vụ hỗ trợ ứng trước kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề đối với lao động tại khu vực bị ảnh hưởng từ dự án...
Đặc biệt, nhà đầu tư chiến lược sẽ không được hưởng các ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược khi không đáp ứng các điều kiện của nhà đầu tư chiến lược và phải chịu trách nhiệm về các hậu quả phát sinh do không đáp ứng các điều kiện về vốn, tiến độ giải ngân và các điều kiện khác về nhà đầu tư chiến lược.
Chính phủ đề xuất hiệu lực thi hành của Nghị quyết là ngày 1/ 8/ 2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong Điều 7 Dự thảo Nghị quyết quy định:
(1) Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư:
a) Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển có quy mô vốn đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
b) Đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên.
c) Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300ha trở lên hoặc có quy mô dân số trên 50.000 người; đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.
d) Đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.
đ) Xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.
e) Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu phi thuế quan có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.
(2). Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều này.
(3). Nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng một trong các điều kiện về năng lực tài chính và kinh nghiệm sau:
a) Có vốn điều lệ từ 10.000 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư tại điểm b và c khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên.
b) Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư tại điểm d và e khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.
c) Có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư tại điểm đ khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
d) Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên để thực hiện các dự án đầu tư tại điểm a khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
(Nguồn: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa).