UBND tỉnh Lâm Đồng vừa đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư của các dự án.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Dự án Xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét, Dự án Xây dựng tuyến đường ĐT.729 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Thuận và tuyến đường ĐT.722 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Lắk phần lớn có chiều dài tuyến đường đi qua diện tích đất có rừng, có ảnh hưởng đến diện tích rừng…
Phối cảnh Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét, tỉnh Lâm Đồng. |
Do đó, địa phương phải lập hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để có mặt bằng thi công. UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, thủ tục này thường kéo dài, mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án.
Tháng 7 năm ngoái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng báo cáo, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc về chuyển mục đích sử dụng rừng trong quá trình triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP.
Theo đó, Tuyến đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức PPP.
Tuy nhiên, do đoạn tuyến trải dài trên địa phận 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai nên việc thiết lập, phê duyệt các hồ sơ kiểm kê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng theo phân cấp, phân quyền đều thuộc UBND cấp tỉnh.
Vì vậy, có rất nhiều khó khăn trong công tác tổng hợp và đồng bộ các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng. Cụ thể, đối với diện tích trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do có những đoạn tuyến phải điều chỉnh cục bộ để phù hợp với địa hình nên phải thiết lập lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo nội dung hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 97/TCLN-KL ngày 16/1/2023).
Tuy nhiên, qua kết quả rà soát điều chỉnh sơ bộ cho thấy, mặc dù có điều chỉnh thay đổi địa điểm, vị trí cục bộ hướng tuyến nhưng diện tích rừng tác động sẽ giảm so với chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, theo kết quả quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì phần lớn diện tích đất thực hiện dự án đều nằm trên đất lâm nghiệp đối tượng rừng sản xuất, mà việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để phù hợp với Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia phải thực hiện theo nội dung chỉ đạo tại Thông báo số 259/TB-VPCP ngày 4/7/2023 của Văn Phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Tại thời điểm báo cáo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để thực hiện các nội dung trên thì mất rất nhiều thời gian, từ đó sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoàn chỉnh hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.
Đối với phần diện tích trên địa phận tỉnh Đồng Nai, theo báo cáo của đại diện liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án thì việc chấp nhận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là các khó khăn về thủ tục liên quan đến việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công.
Tương tự như Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương cũng gặp các khó khăn đối với việc điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để thực hiện dự án đầu tư và các thủ tục liên quan đến việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên nhằm sớm triển khai thực hiện dự án, tháng 7/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng không phải lập lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng do việc điều chỉnh cục bộ hướng tuyến (mặc dù có thay đổi vị trí, địa điểm do điều chỉnh cục bộ hướng tuyến nhưng diện tích rừng bị ảnh hưởng giảm so với chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất); cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện điều chỉnh cục bộ diện tích thực hiện dự án ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp; chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương tiếp nhận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của đại diện liên danh nhà đầu tư làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định