GS. Đặng Hùng Võ
Thưa ông, Kiểm toán Nhà nước vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) một điều về kiểm toán môi trường do Kiểm toán Nhà nước thực hiện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng, đề xuất là hoàn toàn xác đáng. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cần có một điều quy định cụ thể về Kiểm toán Nhà nước bởi môi trường là vấn đề công chứ không phải vấn đề tư. Có thể tác nhân gây ô nhiễm môi trường xuất phát từ phía tư nhưng Bảo vệ môi trường là vấn đề công.
Chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán lĩnh vực công. Thực tế, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai kiểm toán môi trường và việc này không có gì vướng về mặt pháp luật. Do đó, đề xuất bổ sung quy định trên nhằm nhấn mạnh hơn vai trò của Kiểm toán Nhà nước là một công cụ kiểm soát môi trường và cũng để thấy rằng, Nhà nước hiện nay đang rất quan tâm đến vai trò của công tác kiểm toán đối với lĩnh vực môi trường.
Ở đây, chúng ta cần quy định kiểm toán công gồm những nội dung gì về mặt môi trường. Kiểm toán Nhà nước có thể chỉ làm các vụ việc mang tính chất công, trong đó môi trường chắc chắn là một việc công. Tuy nhiên, về tính chất chung, tôi cho rằng, Kiểm toán Nhà nước còn có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện đối với kiểm toán tư để kiểm toán như công cụ của toàn xã hội. Ở các nước, Kiểm toán Nhà nước có thể kiểm toán tất cả mọi nơi và kết luận nơi nào vi phạm pháp luật. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước còn là nơi hướng dẫn thực hiện khung đối với kiểm toán tư, tức tự kiểm toán rồi thuê kiểm toán tư. Kiểm toán Nhà nước là nơi quản lý chung hệ thống kiểm toán. Các nước bao giờ cũng có 3 bậc, thứ nhất là tự kiểm toán (kiểm toán nội bộ), thứ hai là thuê kiểm toán tư và thứ 3 là Kiểm toán Nhà nước.
Bởi vậy, theo tôi, khi đưa vào Dự thảo Luật, chúng ta nên quy định chung: Kiểm toán Nhà nước có chức năng chịu trách nhiệm toàn bộ kiểm toán về môi trường, đừng phân nhỏ rác thải hay nước thải. Đề xuất của Kiểm toán Nhà nước tương đối đầy đủ, cụ thể để thay đổi tư duy về vấn đề môi trường - một vấn đề công. Tôi cho rằng, đây là một đề xuất rất đầy đặn.
Những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực này?
Tôi cho rằng, kết quả kiểm toán môi trường của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua đã phát hiện rất nhiều điều. Chẳng hạn, kiểm toán Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ các hạng mục trái pháp luật của hợp đồng BT hay những sai phạm trong việc thực thi các hạng mục của hợp đồng này; đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị có giá trị, trong đó có kiến nghị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Đó là câu chuyện về vấn đề môi trường trong cơ sở công rất đáng lưu tâm.
Chủ đề môi trường sẽ tiếp tục nằm trong kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước thời gian tới. Từ góc độ chuyên gia, ông có lưu ý gì để Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ này?
Tôi vẫn quan niệm, Kiểm toán Nhà nước là một công cụ chống tham nhũng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trên phạm vi cả nước. Tất nhiên, Nhà nước không đủ tiền để kiểm toán tất cả mọi nơi nhưng khi cần thiết thì vẫn phải làm. Kiểm toán là một giải pháp có hiệu quả cao.
Đối với kiểm toán môi trường, tôi đã phát biểu điều này từ lâu là hiện tượng tham nhũng môi trường. doanh nghiệp không có chi phí thích đáng cho việc xử lý ô nhiễm từ cơ sở sản xuất, chuyển chi phí cho môi trường theo quy định mà doanh nghiệp phải làm vào túi riêng của doanh nghiệp hay cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp. Tất cả hành vi đó đều quy về tham nhũng môi trường. Tham nhũng môi trường là con số cực kỳ lớn. Chỉ cần lấy vụ Formosa làm chết cá tại 4 tỉnh để thấy, nhiều khi những thiệt hại về môi trường không tính được bằng tiền. Trong khi, Kiểm toán Nhà nước là công cụ để ngăn ngừa tham nhũng môi trường. Nếu doanh nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải thì phải có trạm xử lý, có trạm rồi thì không được xử lý trộm ngoài trạm và phải thực hiện đúng chi phí môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã quy định. Tôi cho rằng, đấy là việc Kiểm toán Nhà nước đã làm rất hiệu quả và cần phát huy.
Theo ông, Kiểm toán Nhà nước cần trang bị những gì để có thể đáp ứng yêu cầu kiểm toán môi trường trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay?
Tôi cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần làm ba việc. Thứ nhất là vấn đề nhân sự, phải có con người đáp ứng được yêu cầu công việc. Khi sản xuất đã nâng lên trình độ công nghệ khá cao, con người kiểm toán cũng phải hiểu biết về những công nghệ đó. Với môi trường, đây là lĩnh vực kiểm toán cần chuyên môn khá sâu. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cần tuyển dụng, đào tạo thêm, đào tạo thường xuyên để có thể xây dựng được đội ngũ kiểm toán viên không ngại bất cứ nhiệm vụ nào, kể cả kiểm toán những cơ sở sử dụng công nghệ cao nhất. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước có thể liên kết đào tạo với nước ngoài thông qua các hỗ trợ hoàn toàn hoặc có thể xin học bổng nơi này nơi kia để tạo điều kiện cho kiểm toán viên có học vị cao hơn, giúp làm tốt hơn kiểm toán môi trường.
Thứ hai, để đối chọi với công nghệ và kiểm toán trong thời đại công nghệ, Kiểm toán Nhà nước phải có công nghệ. Với kiểm toán môi trường, công nghệ chính là phát hiện mức độ ô nhiễm. Đối với vấn đề môi trường, hệ thống chỉ số về chất lượng môi trường là tối quan trọng. Nếu không có chỉ số thì không thể biết mức độ ô nhiễm đến đâu. Hiện nay, chỉ số quy chuẩn kỹ thuật môi trường đã có khá nhiều. Do đó, Kiểm toán Nhà nước phải có công nghệ tốt thì mới kiểm toán được môi trường trong một xã hội hiện đại. Chẳng hạn, khi kiểm toán để đánh giá hệ sinh thái của một khu rừng, Kiểm toán Nhà nước có thể sử dụng flycam để lập bản đồ hiện trạng khu rừng đó; hay kiểm toán không khí thì phải áp dụng công nghệ viễn thám.
Thứ ba là vấn đề kinh phí, phải có kinh phí mới mua được những máy móc công nghệ hiện đại về môi trường vì những máy này rất đắt. Tôi cho rằng, đấy là ba yếu tố mà Kiểm toán Nhà nước cần ưu tiên để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán môi trường.