Chính phủ hiện đang chỉ đạo rà soát các lĩnh vực cấm đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện nhằm tập hợp đầy đủ các quy định về vấn đề này, đồng thời xem xét loại bỏ những quy định bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của nhà đầu tư. Do đó, Dự luật tạm thời giữ lại quy định của luật cũ và bổ sung danh mục khi Chính phủ rà soát xong.
Dự luật cũng khẳng định nguyên tắc, nhà đầu tư được đầu tư trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; được tự chủ hoạt động đầu tư theo quy định và được đối xử bình đẳng trước pháp luật.
Nhìn chung, các đại biểu đồng tình về sự cần thiết sửa Luật Đầu tư và cơ bản nhất trí với nội dung Dự luật. Các đại biểu đánh giá, Dự luật sửa đổi đã tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn cho mọi nhà đầu tư, đồng thời hoàn thiện cơ chế khuyến khích hỗ trợ đầu tư. Dự luật đã cố gắng cải cách thủ tục hành chính theo hướng bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, minh bạch hóa các lĩnh vực cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện…
Tuy nhiên, còn một số vấn đề các đại biểu cho rằng còn chưa thực sự phù hợp và có thể gây cản trở hoạt động đầu tư trong tương lai, nên cần hoàn thiện hơn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ băn khoăn về quy định cá nhân, pháp nhân nước ngoài nắm giữ trên 51% vốn điều lệ được xem là nhà đầu tư nước ngoài. Theo đại biểu, với quy định này thì trong thống kê làm cán cân thanh toán rất khó. Vì bản thân nhà đầu tư có thể lấy vốn trong nước đi mua cổ phiếu nên cán cân thanh toán sẽ bị tính sai, tinính toán các dòng vốn sẽ sai. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc lại vấn đề này.
Vấn đề nữa là tỷ lệ 51% trên sàn giao dịch chứng khoán, hiện nay tỷ lệ này có thể biến động một ngày là 5%, tức là sáng có thể 51%, chiều có thể 46%. “Tôi đề nghị Ban soạn thảo lưu ý đến thuật ngữ đầu tư gián tiếp, đầu tư trực tiếp hơn là tỷ lệ phần trăm vốn cho các CTCP niêm yết trên thị trường”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Các đại biểu Trần Du Lịch, đại biểu Vũ Tiến Lộc đều có chung quan điểm cho rằng, khi sửa Luật Đầu tư cần phải tính tương quan với Luật Doanh nghiệp. Những gì Luật Doanh nghiệp đã quy định thì thôi, Luật đầu tư quy định những điểm còn lại để đảm bảo thống nhất môi trường đầu tư.
Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, Luật Đầu tư tiếp cận việc kinh doanh từ khía cạnh vốn. Phải quản lý được dòng vốn đầu tư vào Việt Nam cũng như dòng vốn từ Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
“Chúng ta quản lý theo dòng vốn, chứ không phải quản lý ông chủ đồng vốn. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam về bản chất đó là nợ quốc gia, vì lợi tức phải chia sẻ là lớn hơn đồng tiền đi vào. Nhiều dự án, nhà đầu tư không lấy vốn từ nước ngoài mà lại lấy vốn từ trong nước, cho nên ta phải quản lý dòng vốn chứ không phải quản lý ông chủ”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, kinh doanh hay đầu tư đều là một, theo Luật Doanh nghiệp thì các chủ thể để được kinh doanh đều đã phải làm thủ tục đăng lý kinh doanh. Do đó, không cần thiết bắt các nhà đầu tư sau khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh lại phải đăng ký đầu tư một lần nữa để triển khai các dự án kinh doanh. Quy định như vậy tạo ra thủ tục kép, dùng 2 thủ tục để quản lý cùng một việc.
“Với nhóm dự án sử dụng nguồn lực từ Nhà nước hoặc ảnh hưởng đáng kể tới nguồn lực không sẵn có hoặc khan hiếm, theo tôi, đây là nhóm dự án cần kiểm soát nhất bằng thủ tục giấy chứng nhận đầu tư thì dự luật lại chưa tính đến”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận xét và cho rằng, Dự luật mặc dù có tiến bộ về thủ tục hành chính nhưng cần đột phá, mạnh dạn hơn nữa. Trong đó, nên bỏ thủ tục đăng ký đầu tư ở mọi dự án, chỉ trừ các dự án sử dụng nguồn lực từ Nhà nước, đất đai, tài nguyên hoặc có ảnh hưởng đáng kể tới các nguồn lực khan hiếm khác của xã hội.
Lý do, theo ông Lộc là bởi các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện cũng chính là các lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Và các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì Nhà nước đang quản lý bằng giấy phép hoặc điều kiện kinh doanh.
Sáng 24/6, Quốc hội đã họp phiên bế mạc, kết thúc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Trong bài phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tình hình phức tạp, nguy hiểm, khó lường trên biển Đông và ghi nhận nỗ lực của Chính phủ vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa đối phó hiệu quả với diễn biến biển Đông. Trong 28 ngày làm việc, Quốc hội đã thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu và chuyển đổi thành công mô hình kinh tế, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo có hiệu quả. Về công tác xây dựng pháp luật, sau khi Hiến pháp mới được thông qua, công tác xây dựng pháp luật được xác định là nhiệm vụ trọng tâm tại kỳ họp này. Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 16 dự án luật, 1 nghị quyết khác. Về hoạt động chất vấn, tại kỳ họp này Quốc hội đã chất vấn 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo bổ sung và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Quốc hội cơ bản tán thành các giải pháp mà thành viên Chính phủ đưa ra và nhấn mạnh yêu cầu với lĩnh vực tài chính, phải có biện pháp đảm bảo an toàn nợ công, tái cơ cấu nợ công theo hướng chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang vay dài hạn, giảm bội chi, hạn chế đảo nợ... Đồng thời, đảm bảo thu ngân sách, cân đối thu chi, xử lý nợ thuế, đẩy mạnh cổ phần hóa, đổi mới quản trị DNNN… Theo chương trình giám sát năm 2014, tại kỳ họp thứ 8 cuối năm nay, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. |