Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có tờ trình số 2417/TTr-BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, Bộ GTVT trình người đứng đầu Chính phủ chủ trương đầu tư Dự án sau khi đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Tại tờ trình số 2417, Bộ GTVT đề xuất Dự án có điểm đầu tại nút giao tuyến tránh Quốc lộ 91, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tổng chiều dài đoạn tuyến thuộc Dự án khoảng 188,2 km (tỉnh An Giang khoảng 57,2 km, thành phố Cần Thơ khoảng 37,2 km, tỉnh Hậu Giang khoảng 36,9 km và tỉnh Sóc Trăng khoảng 56,9 km).
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có quy mô là 6 làn xe. Tuy nhiên, giai đoạn phân kỳ sẽ chỉ đầu tư với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m; giai đoạn hoàn thiện sẽ đầu tư mở rộng phù hợp với quy mô quy hoạch.
Tại Tờ trình số 1250/TTr- BGTVT ngày 11/2/2022, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được Bộ GTVT xác định là khoảng 45.024 tỷ đồng.
Trên cơ sở thực hiện ý kiến chỉ đạo của Hội đồng thẩm định nhà nước, sau khi rà soát sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 44.691 tỷ đồng, giảm khoảng 333 tỷ đồng (do có sự sai số trong việc xác định suất đầu tư phần tuyến).
Trên cơ sở quy định pháp luật, sự cần thiết đầu tư của Dự án, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành Dự án, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn hình thức đầu tư công phù hợp với quy định hiện hành. Sau khi Dự án hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.
Theo Bộ GTVT, với đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chủ yếu đi qua khu vực nền đất yếu, cần thời gian xử lý đất yếu chiếm tới 12 - 15 tháng, đây cũng là tuyến đi mới hoàn toàn xa hệ thống đường hiện hữu nên điều kiện để tiếp cận mặt bằng, tập kết máy móc thiết bị, vật liệu để triển khai thi công khó khăn.
Đồng thời, đặc điểm thời tiết và khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng lớn bởi mùa mưa thường từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, mùa lũ từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm nên ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thực tế thi công ngoài hiện trường.
Với các điều kiện đặc thù nêu trên, nếu được áp dụng các cơ chế đặc thù, Dự án có thể khởi công năm 2023 nhưng phải tới năm 2025 cơ bản hoàn thành nền đường, năm 2026 cơ bản hoàn thành dự án Trong đó, nhu cầu vốn năm 2026 là lớn nhất vì giai đoạn này khối lượng thi công chủ yếu là kết cấu mặt đường (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dự toán công trình đường bộ).
Do công trình là dự án quan trọng quốc gia (đáp ứng tiêu chí tại Điều 7 Luật Đầu tư công) và thuộc Chương trình. Vì vậy, để đảm bảo rút ngắn thời gian thực hiện, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng khoản 1, Điều 5 Nghị quyết số 43/2022QH15 của Quốc hội.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022QH15 quy định: "Cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình phục hồi kinh tế xã hội; các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu".
Do Dự án thuộc đối tượng phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án và thẩm quyền phân cấp là Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, Bộ GTVT kiến nghị trong Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội, chỉ nêu nguyên tắc việc phân cấp.
Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, căn cứ quyết định của Thủ tướng về việc phân cấp cho UBND các tỉnh thành phố làm cơ quan chủ quản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, Thủ tướng sẽ quyết định cụ thể.
Đối với các dự án thành phần được Thủ tướng phân cấp cho địa phương, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chuyển nguồn vốn từ kế hoạch trung hạn của Bộ GTVT cho các địa phương để triển khai thực hiện các dự án thành phần.
Cũng tại tờ trình số 2417/TTr-BGTVT, Bộ GTVT kiến nghị phân chia dự án thành 4 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 (Km0+000 đến khoảng Km57+200) từ thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang đến huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, dài 57,2 km thuộc địa bàn tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ (do vị trí ranh giới hai tỉnh nằm giữa công trình cầu tại Km56+700), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.799 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 (Km57+200 đến khoảng Km94+400) từ huyện Vĩnh Thạnh đến huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, dài 37,2 km thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.845 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3 (Km94+400 đến khoảng Km131+300) từ huyện Châu Thành A đến huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, dài 36,9 km thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.927 tỷ đồng.
Dự án thành phần 4 (Km131+300 đến khoảng Km188+200) từ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đến huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, dài 56,9 km thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng (do vị trí ranh giới hai tỉnh nằm giữa cầu vượt nút giao với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.120 tỷ đồng.