Bộ Nội vụ dự kiến khung số lượng biên chế tối thiểu để thành lập phòng là từ 7 người trở lên đối với quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và 5 biên chế đối với quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh, thành phố còn lại.
Về số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, Bộ đề xuất 2 phương án:
Theo phương án 1, đối với phòng thuộc UBND cấp huyện thuộc thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, phòng có từ 7 - 9 biên chế được bố trí 1 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 10 - 14 biên chế được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 15 biên chế trở lên được bố trí không quá 3 Phó Trưởng phòng.
Đối với phòng thuộc UBND cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại, phòng có từ 5 – 7 biên chế được bố trí 1 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 8 biên chế trở lên được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng.
Theo phương án 2, quy định thống nhất mỗi phòng bình quân có không quá 2 Phó Trưởng phòng. Căn cứ vào số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể về số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng về chuyên môn cho phù hợp.
Trong 2 phương án nêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án 1.
Khung số lượng phòng chuyên môn
Bộ Nội vụ cho biết, căn cứ vào phân nhóm phòng chuyên môn và thẩm quyền quyết định thành lập phòng chuyên môn nêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất 2 phương án về khung số lượng phòng chuyên môn như sau:
Phương án 1, quy định tổng số lượng phòng chuyên môn sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, thí điểm hợp nhất bảo đảm không vượt quá số lượng phòng chuyên môn hiện có và khung số lượng phòng chuyên môn của từng địa phương theo phân loại đơn vị hành chính cấp huyện như sau:
Đối với đơn vị hành chính loại I (217 đơn vị) không quá 12 phòng; đối với đơn vị hành chính loại II (352 đơn vị) không quá 11 phòng; đối với đơn vị hành chính loại III (134 đơn vị) và huyện đảo, không quá 10 phòng.
Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện theo phương án 1 thì sẽ bảo đảm được sự thống nhất về tên gọi và phân công chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của các phòng chuyên môn; đồng thời đáp ứng được yêu cầu sắp xếp tổ chức các phòng chuyên môn tinh gọn hơn, hạn chế sự cào bằng về số lượng tổ chức các phòng chuyên môn giữa các đơn vị hành chính cấp huyện.
Phương án 2, quy định tổng số lượng phòng chuyên môn sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, giữ ổn định hoặc thí điểm hợp nhất bảo đảm không vượt quá số lượng phòng chuyên môn hiện có tại thời điểm tổ chức thực hiện Nghị định.
Theo Bộ Nội vụ, thực hiện theo phương án 2 thì sẽ bảo đảm được sự thống nhất về tên gọi và phân công chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của các phòng chuyên môn như phương án 1 nhưng chưa đặt ra yêu cầu cao đối với địa phương trong công việc chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn theo hướng tinh gọn.
Trong phương án nêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án 1.