Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính, đại diện khối doanh nghiệp tư nhân đã đề xuất ba giải pháp.
Thứ nhất, Chính phủ có chính sách cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước đầu tư vào lĩnh vực công nghệ 4.0 (Bigdata – Dữ liệu lớn, AI – Trí tuệ nhân tạo, Security – Bảo mật…) được hưởng các ưu đãi như các doanh nghiệp công nghệ cao và được hưởng chính sách thuế tương tự với doanh nghiệp nước ngoài như Samsung (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, sau đó sẽ hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm); đồng thời, được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu.
Chính sách này nếu được áp dụng rộng rãi sẽ thu hút được lượng lớn doanh nghiệp từ nước ngoài cũng như nguồn lực và trí lực trong nước đầu tư vào lĩnh vực này.
Thứ hai, Chính phủ cần có chiến lược phát triển công nghiệp 4.0, trong đó thúc đẩy nhanh việc triển khai chính phủ điện tử, thành phố thông minh, tin tưởng giao cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công việc này, vừa giúp tạo cầu thị trường ứng dụng công nghệ thông tin, vừa đồng thời giúp cho môi trường kinh doanh được tự do thông thoáng với chi phí cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.
Lấy tiêu chuẩn của các nước như Singapore, Hàn Quốc làm mục tiêu phấn đấu, xây dựng chính phủ kiến tạo và cạnh tranh với các chính phủ khác trong khu vực, thông qua đó sẽ thu hút được đầu tư nước ngoài có chất lượng cao về Việt Nam
Liên quan đến sự thiếu hụt nhân lực trong ngành, các doanh nghiệp đề xuất đẩy mạnh đào tạo Toán học, nhất là Toán ứng dụng và tiếng Anh, là kiến thức và kỹ năng quan trọng cho nhân sự thời 4.0; đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, có chính sách miễn giảm thuế, đất đai, tín dụng… cho các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin.
“Thực tế mở trường lớp đào tạo hiện khá khó khăn, vì thế rất cần Chính phủ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân”, ông Chính nhấn mạnh tại cuộc gặp của các doanh nghiệp với Thủ tướng Chính phủ và cho biết, một trong những ngành đang khát nhân lực nhất hiện nay là trí tuệ nhân tạo. Trên toàn thế giới, mới có khoảng 10.000 chuyên gia trong lĩnh vực này, còn ở Việt Nam chưa có và cũng chỉ có 200 người làm về dữ liệu lớn.
“Các trường đại học cần chuẩn bị đội ngũ giảng viên có thể giảng dạy được về lĩnh vực này”, ông Chính kêu gọi.
Chia sẻ quan điểm của ông Chính, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đề xuất với Thủ tướng, các ngành kinh tế mới đang có những chuyển động rất khác so với trước đây, bởi vậy, doanh nghiệp cần khung pháp lý khác. Nếu Việt Nam mạnh dạn đi trước về khung pháp lý, nhiều tổ chức Việt Nam cũng như quốc tế sẽ thấy Việt Nam như điểm đến hấp dẫn về công nghệ 4.0
Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty Vinfast (thành viên Tập đoàn Vingroup) cho biết, nhận thức vai trò vô cùng quan trọng của việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, Vingroup đã đầu tư hơn 10 triệu USD vào trường dạy nghề, tạo ra cái nôi đào tạo cho các kỹ thuật viên công nghệ 4.0 trong tương lai.
Mỗi năm tại đây có 200 học viên được học miễn phí, có đầy đủ thiết bị, cơ sở về công nghệ để học ứng dụng và học đi đôi với hành. Lãnh đạo Tập đoàn mong muốn, không chỉ phục vụ cho nhu cầu của Vingroup, mà mô hình này sẽ được nhân rộng, thúc đẩy việc học đi đôi với hành, làm chủ công nghệ tương lai.
Nếu như trước đây Việt Nam thường đi sau thế giới về công nghệ thì nay cách mạng 4.0 tạo cơ hội để các doanh nghiệp bắt đầu cuộc đua ngang bằng với nhiều tập đoàn trên thế giới. Chẳng hạn, giải pháp Bia Data/AI phát hiện bất thường của CMC hiện được nhiều doanh nghiệp và cơ quan tài chính quan tâm.
Giải pháp dùng các kỹ thuật xử lý dữ liệu lớn kết hợp với các thuật toán trí tuệ nhân tạo để phát hiện các bất thường, đưa ra cảnh báo đến người dùng, từ đó có thể phát hiện các gian lận, để kịp thời xử lý. Giải pháp này có thể được áp dụng cho các ngành thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đem lại hiệu quả kinh tế lớn…
Cơ hội với các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin là rất lớn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các nhà lãnh đạo Việt Nam đều thống nhất cao quan điểm ủng hộ, tìm sự khác biệt để nâng cao tốc độ phát triển các ngành khoa học công nghệ 4.0 với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm nước phát triển hàng đầu ASEAN.