Để túi tiền Nhà nước đỡ thiệt hơn

Để túi tiền Nhà nước đỡ thiệt hơn

(ĐTCK) Hôm nay (11/1/2016) , Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành đấu giá 85,58 triệu cổ phiếu, tương đương 97,7% vốn điều lệ của Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor). 

Phiên đấu giá này được tổ chức theo hình thức đấu trọn lô, tức nhà đầu tư tham gia sẽ phải đặt mua toàn bộ 85,58 triệu cổ phiếu.

Với giá khởi điểm 14.612 đồng/CP, nhà đầu tư trúng giá sẽ phải chi ra tối thiểu 1.250 tỷ đồng và phải đặt cọc 125 tỷ đồng để tham gia đấu giá. Không những thế, để tham gia đấu giá, nhà đầu tư còn phải đáp ứng một số yêu cầu nữa như vốn chủ sở hữu tối thiểu 926 tỷ đồng, không có lỗ lũy kế và cam kết nắm giữ cổ phiếu trong 5 năm… Đã có 2 nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia phiên đấu giá này, đồng nghĩa với khả năng lô cổ phần có thể được bán thành công.

Điều khiến phiên đấu giá này thu hút sự sự chú ý của dư luận là 1 năm trước, Vinamotor ế phần lớn cổ phần chào bán qua IPO với giá khởi điểm thấp hơn nhiều đợt chào bán này, 10.000 đồng/CP. Nhiều ý kiến bình luận, sức hấp dẫn của Vinamotor trong thương vụ này nằm ở một số công ty thành viên có đất đai, nhà xưởng rộng lớn, mà công ty mẹ vẫn giữ cổ phần chi phối và rõ ràng, với phương thức bán trọn lô, Nhà nước sẽ thu về số tiền lớn hơn rất nhiều so với phương thức bán xé lẻ trước đây.

Trước phiên đấu giá cổ phần Vinamotor, phiên đấu giá trọn lô xấp xỉ 52% cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên (khách sạn Kim Liên) cũng thu hút sự chú ý rất lớn của thị trường, bởi có sự xuất hiện tới 36 nhà đầu tư, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn. Việc Nhà nước thu về gần 1.000 tỷ đồng, số tiền cao gấp gần 9 lần mệnh giá là kết quả thành công ngoài dự kiến của bên bán đã chứng minh tính hiệu quả của việc bán cổ phần trọn lô và cơ chế minh bạch để thông tin đến với nhiều nhà đầu tư.

Năm 2016, sẽ còn nhiều đợt chào bán cổ phần nhà nước hấp dẫn như trên. Điều mà thị trường chờ đợi là Nhà nước tạo ra cơ chế đấu giá minh bạch, để các NĐT cạnh tranh bình đẳng và Nhà nước cũng thu lợi tốt nhất.

Để túi tiền Nhà nước đỡ thiệt hơn ảnh 1

Quay trở lại với phiên đấu giá trọn lô cổ phần Vinamotor, có một điểm mà một số thành viên thị trường cho rằng bên bán có thể làm tốt hơn nữa.

Dù đưa ra hàng loạt yêu cầu về thủ tục, như phải có đơn đăng ký tham gia năng lực nhà đầu tư (theo mẫu), bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các giấy tờ tương đương; giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ; bản sao y hợp lệ báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2015 đã được kiểm toán; bản sao y hợp lệ hợp đồng kinh tế liên quan đến ngành nghề kinh doanh trực tiếp liên quan hoặc hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính của Vinamotor; văn bản cam kết của nhà đầu tư gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp, không chuyển nhượng cổ phần, phương án tiếp tục sử dụng lao động hiện có; phương án hỗ trợ doanh nghiệp…, nhưng bản thông báo bán đấu giá lô cổ phần Vinamotor chỉ được công bố trên website của doanh nghiệp này vào cuối giờ chiều ngày 21/12/2015, mà thời hạn nộp hồ sơ lại bắt đầu từ 8h ngày 22/12/2015 đến 17h ngày 25/12/2015. Nếu không “săn” lô cổ phần trên từ trước khi công bố chào bán được đưa ra rộng rãi, liệu NĐT có kịp thời gian để thực hiện một loạt thủ tục như trên?

Tin bài liên quan