Dây chuyền xử lý rác thải của một doanh nghiệp ở Bình Dương. Ảnh Lê Toàn

Dây chuyền xử lý rác thải của một doanh nghiệp ở Bình Dương. Ảnh Lê Toàn

Để triển khai thành công EPR, cần có Luật tái chế và tiết kiệm tài nguyên?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ phải đối mặt với các thách thức về tài chính và chuyển đổi mẫu mã sản phẩm, công nghệ…, để triển khai thành công quy định EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) tại Việt Nam, các doanh nghiệp còn gặp những thách thức về chính sách.

Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Nhà sản xuất nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và nhà sản xuất nhập khẩu phương tiện giao thông (ôtô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Chia sẻ tại hội thảo "Hướng tới triển khai thành công quy định EPR tại Việt Nam" diễn ra tại TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, Đài Loan (Trung Quốc) đã tái chế gần 70% rác thải và triển khai thành công EPR vì họ dựa vào 4 trụ cột chính hoạt động gồm: chính quyền, cư dân, quỹ tái chế, nhà tái chế. Trong khi đó, tại Việt Nam, hoạt động tái chế còn dựa chủ yếu vào lực lượng phi chính thức như đồng nát, ve chai, làng nghề tái chế...

Theo ông Tiến, từ thu gom tới tái chế cần một quy trình theo tiêu chuẩn. Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng cơ sở hạ tầng tái chế đạt tiêu chuẩn EPR. Đặc biệt, những nhà máy đủ khả năng tái chế các loại rác.

“Để giảm định mức tái chế cũng như thực hiện thành công EPR, các trụ cột, lực lượng cần cùng kết hợp chặt chẽ, liên kết, cùng thúc đẩy nhau tiến lên", ông Tiến nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Hoàng Trung Sơn, Tổng giám đốc Công ty Giấy Đồng Tiến nhìn nhận, việc tái chế chỉ có thể thực hiện ở các doanh nghiệp lớn chứ doanh nghiệp nhỏ hay làng nghề thì rất khó thực hiện vì chi phí lớn. Làm sao để xây dựng hệ thống thu gom rác hiệu quả cũng là một vấn đề lớn.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Giám đốc quốc gia Tổ chức hành động vì môi trường và phát triển (ENDA) tại Việt Nam, hiện nay lực lượng thu gom rác thải chính là các lực lượng phi chính thức (đồng nát, ve chai...). Lực lượng này phải làm việc trong môi trường độc hại, không được bảo vệ lẫn phúc lợi xã hội. Dưới tác động của công cụ chính sách EPR, phế thải có thể bán với giá cao hơn.

Bên cạnh đó, lực lượng không chính thức cũng có cơ hội nhận được hỗ trợ từ quỹ bảo vệ môi trường từ công cụ EPR để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, EPR sẽ thúc đẩy việc thành lập các công ty tái chế chuyên nghiệp cạnh tranh trực tiếp với các cơ sở tái chế và các làng nghề. Hơn nữa, các quy định EPR sẽ yêu cầu các cơ sở tái chế đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quế Lâm, Phó trưởng phòng Công nghệ Môi trường và Kiểm tra chất lượng của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM (CITENCO) - cho biết, mỗi ngày ở TP.HCM có khoảng 10.000 tấn rác thải. Trong đó, có khoảng 20 - 25% phường, xã, thị trấn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt mục tiêu đề ra do hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn dàn trải, chưa tập trung; phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại; tỷ trọng rác do lực lượng dân lập thu gom cao...

“Để lực lượng phi chính thức đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe trên vô cùng khó. Chính vì vậy, lực lượng này cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn lực lượng này trong thời gian tới”, bà Linh đại diện ENDA nhìn nhận.

Về giải pháp cho đầu tư và vai trò của khối phi chính thức và phi chính thức, ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch VPPA đề nghị, Nhà nước sớm ban hành Luật Tái chế và tiết kiệm tài nguyên như Luật Tái chế và tiết kiệm tài nguyên (1997) của Nhật Bản, Luật về thúc đẩy tiết kiệm và tái chế tài nguyên (1996) của Hàn Quốc, Luật xúc tiến kinh tế tuần hoàn (2008) của Trung Quốc, Đạo luật tài nguyên bền vững (2019) của Singapore; Quản lý và phân bổ ngân sách thu được từ doanh nghiệp theo quy định EPR (nộp vào Quỹ VEPF) hiệu quả vào phát triển cơ sở hạ tầng thu gom và tái chế; Có chính sách không thu thuế và hỗ trợ với các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý chất thải làm nguyên liệu sản xuất; Và cấp nhãn xanh và có các chính sách ưu đãi cho các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu tái chế…

Tin bài liên quan