Một chính sách thật đặc biệt mang tính bước ngoặt
Nếu hỏi người dân TP.HCM cơ chế đặc thù của Thành phố (dự kiến) là gì, chắc không mấy ai hiểu được đó là gì, cho dù đó chỉ là những nét chấm phá cơ bản nhất. Thỉnh thoảng mới có một vài người có trách nhiệm và có liên quan đến chủ trương này trả lời báo chí.
Thông tin nhiều nhất về chủ trương này có lẽ tập trung vào việc TP.HCM đề xuất về một chính quyền đô thị hoặc vấn đề điều tiết tỷ lệ phân chia ngân sách giữa Trung ương và Thành phố, để có thêm nhiều nguồn thu ngân sách hơn cho TP.HCM so với mức hiện tại. Nhưng sẽ là quá ít để chúng ta có thể hiểu một cách thực sự cơ chế đặc thù mà Thành phố mong muốn là gì, mà chưa hiểu nhiều thì lấy đâu mà đồng thuận hay phản biện để mọi điều trở nên tốt hơn.
Như vậy, ngay từ đầu, vấn đề cơ chế đặc thù đã vướng phải một rào cản tưởng nhỏ nhưng hóa ra không nhỏ chút nào. Đó là liệu cơ chế đặc thù này có hợp với mong đợi của phần lớn người dân TP.HCM (trước đã), rồi sau đó mới tính đến việc nó có phù hợp, có khả thi (ít nhất cũng trên một vài điểm cốt lõi nào đó).
Đó là chưa kể, một chủ trương quá lớn và quá nhạy cảm về một cơ chế đặc thù như thế cần phải được thiết kế thật chi tiết và khoa học để các chuyên gia trong và ngoài nước góp ý. Có như thế may ra mới phần nào tạo được sự đồng thuận từ trên xuống dưới. Đến giờ, có lẽ mọi người cũng chỉ nghe “thoáng qua”, mà đó lại là một chủ trương quá lớn.
Sắp xếp một cách rời rạc các mảnh ghép, phần nào biết được bức tranh lớn của cơ chế đặc thù. Chẳng hạn, đó là cơ chế đặc thù cho ngân sách, cho chống ùn tắc giao thông, cho phát triển đường sắt đô thị… Quan sát các chủ trương này, chúng ta có cảm giác là, từng vấn đề như thế cũng chỉ do những người am hiểu chuyên môn hẹp của từng lĩnh vực đề xuất. Bây giờ nếu ghép từng phần của bức tranh đặc thù này lại với nhau, không chừng chúng lại phát sinh mâu thuẫn.
Bản chất của các tranh cãi về cơ chế đặc thù của TP.HCM thời gian qua có thể được tóm gọn trong câu tán thán khi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trả lời báo chí: “Phải có sự tự chủ lớn nhất cho TP.HCM, không phải Thành phố muốn cơ chế đặc thù để thành vương quốc riêng đâu, mà mong muốn tự chủ nhiều hơn, làm ra nhiều tiền hơn, đóng góp cho đất nước nhiều hơn”.
Dựa vào phát biểu trên, ta mới nhận thấy, dường như hóa ra chung quy câu chuyện cơ chế đặc thù này, đầu dây mối nhợ này chỉ ở yếu tố lo ngại nguy cơ “chệch hướng” và cũng chỉ ở yếu tố con người. Chắc đã có ai đó e ngại không khéo sẽ xuất hiện quốc vương trong một vương quốc. Rồi sau đó sẽ là một phong trào xin cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành phố và biển đảo.
Nếu thực sự có những lo ngại như thế, thì cách đặt vấn đề đúng nhất trong chủ trương xin cơ chế đặc thù là, đó phải là một nội hàm thống nhất và nên là một chủ trương chính thống cho cả nước, được phác thảo từ cấp Trung ương, thì may ra mới giải quyết được các bất cập này. Nếu không, thì không chừng ta sẽ chứng kiến hội chứng xin cơ chế đặc thù của từng tỉnh, thành phố và các biển đảo (Phú Quốc, Côn Đảo), mà chúng lại khác nhau một trời một vực ở từng địa phương.
Đứng trên bình diện tổng thể cả quốc gia, hội chứng cơ chế đặc thù theo kiểu này có khi không có lợi cho sự phát triển chung cho cả nước. Nhưng dù như thế nào thì cơ chế đặc thù vẫn nên là một chính sách thật đặc biệt mang tính bước ngoặt để cả nước cùng phát triển, chứ không thể là một phong trào để ai cũng muốn xin (cho).
Để tỏa sáng, ngọc phải tự biết gọt dũa từ bên trong
Cơ chế đặc thù có là gì đi chăng nữa, thì suy cho cùng, yếu tố con người vẫn là quyết định. Nó giống như một viên ngọc, phải biết tự tỏa sáng từ bên trong trước đã. Nếu không thỏa mãn được điều kiện tiên quyết này, cho dù TP.HCM có được trao quyền lớn đến đâu, thì cũng khó có thể thành công.
Chúng ta khó có thể phủ nhận một điều rằng, TP.HCM, với các yếu tố lịch sử và cả tầm quan trọng của mình trong bao năm qua, vẫn xứng đáng được giao lĩnh ấn tiên phong để tạo ra một động lực phát triển mới cho cả nước. Ít ra quan điểm này đã được chứng minh chẳng những bằng quá khứ lịch sử hào hùng, mà còn bằng sự đóng góp quá lớn của Thành phố cho sự phát triển chung của cả nước suốt bao thập kỷ qua. Những ai trong thâm tâm không bằng lòng với chủ trương này (tuy không bao giờ có ai thực sự công khai thể hiện), cũng chỉ dựa vào những yếu tố cảm tính về những hệ lụy không hay có khả năng xảy ra trong tương lai.
Những lo ngại như thế không phải không có cơ sở, nhưng thể chế hiện tại khó lòng cho phép một sự đi chệch hướng đến mức không thể kiểm soát được. Những lý lẽ phản đối hoặc trì hoãn giao cho TP.HCM một cơ chế đặc thù để bứt phá, đi trước xem ra khó lòng thuyết phục được nhiều người.
Thừa nhận điều này để thấy, có thể cơ chế mà những người tâm huyết với sự phát triển của TP.HCM, vì bức xúc quá, nên các đề án ban đầu còn thiếu nhiều ý tưởng, nhưng nó cần phải được ủng hộ một cách mạnh mẽ nhất. Và do đó, cần phải được Trung ương nhanh chóng cho ra những quyết sách trong thời gian sớm nhất có thể. Thực sự cho đến lúc này, nếu Thành phố có cho riêng mình một cơ chế đặc thù, thì mọi điều cũng đã khá muộn màng rồi, khi mà thế giới bây giờ đã thay đổi quá nhanh và quá lạ.
Vấn đề là liệu ta có dám cho TP.HCM làm những điều đặc biệt để phát triển. Còn bàn về cơ sở khoa học của vấn đề hoặc xới lên từng chi tiết để xem đúng sai, thì chắc chắn người phản biện không khó để chỉ ra hàng loạt vấn đề cần xem lại. Có cảm giác những lo ngại như thế đang có chiều hướng diễn ra thời gian gần đây. Tất cả chúng ta, những ai có trách nhiệm chính trong việc xem xét sự phát triển của TP.HCM, đều cần phải tự nhìn lại mình. Nhưng dù gì và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, điều quan trọng nhất và mang tính quyết định nhất vẫn chính là từ bản thân Thành phố. Để trở lại thành “Hòn ngọc Viễn Đông” tỏa sáng, viên ngọc đó phải tự mài dũa từ bên trong trước đã.
TP.HCM cần phải tự xem mình đã thực sự nghĩ đúng trọng tâm và thấu đáo hết về những điều mình cần có hay không. Về vấn đề ngân sách chẳng hạn, Thành phố xin Trung ương để có nguồn thu ngày càng nhiều hơn, nhưng nếu không nhìn nhận thấu đáo vấn đề này, không khéo chúng ta sẽ hiểu sai vấn đề. Một nguyên tắc cơ bản là không phải lúc nào 1 đồng tăng thêm cũng mang lại hiệu quả tương tự như 1 đồng lúc đầu. Liệu nguồn thu từ những đồng tiền tăng thêm sau này có được sử dụng đúng và hiệu quả.
Nhìn vào bộ máy hành chính cồng kềnh hiện nay, liệu tiền có phải là vấn đề cốt lõi để Thành phố phát triển. Các ý tưởng ban đầu của các chuyên gia đề xuất về việc nhập một số sở với nhau (Sở Xây dựng nhập với Sở Giao thông - Vận tải) ngay lập tức đã nhận được phản hồi từ lãnh đạo Thành phố là không khả thi.
Nếu chỉ nhìn vào khối lượng công việc và con người hiện tại, đề xuất này có lẽ khó khả thi. Song nếu nhìn nhận vấn đề hướng về phía trước, thì đề xuất này có thể thực hiện được. Nếu chỉ nhìn vào thực trạng hiện nay, thì thử hỏi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới này sẽ đứng ở đâu trong công cuộc cải cách hành chính ở TP.HCM.
Một cuộc cách mạng kết nối vạn vật thực ra rất cần thiết cho chủ trương phát triển thành phố thông minh như ao ước của chính các vị lãnh đạo thành phố. Một cuộc cách mạng mà nếu biết tận dụng ngay từ lúc này, sẽ khiến cho chủ trương tinh giản bộ máy hành chính bằng việc sáp nhập các sở hoàn toàn khả thi. Và TP.HCM, với vai trò đầu tàu, phải xứng đáng là người phải tự khám phá và tự nguyện đi đầu trong cả nước. Trao thêm quyền hay tiền cho ai đó mà bộ máy hành chính cồng kềnh thì chắc không thể là giải pháp cho vấn đề phát triển của Thành phố trong dài hạn.
Hay như vấn đề phát triển đô thị và tình trạng kẹt xe hiện nay. Nếu Trung ương đồng ý cho TP.HCM giữ lại nguồn thu ngân sách nhiều hơn hoặc quyền hành rộng lớn để đầu tư vào hạ tầng, mở rộng đường sá. Nhưng nếu các khối tòa nhà cao tầng cứ mọc lên ngày càng nhiều ngay giữa lòng Thành phố, thì kẹt xe vẫn ngày càng nghiêm trọng. Bao nhiêu tiền cho đủ để phát triển Thành phố. Tiền giống như đổ sông, đổ biển mà chẳng giải quyết được vấn đề gì cho đến nơi, đến chốn. Chẳng những thế, nó còn có nguy cơ kéo lùi sự phát triển của Thành phố nhiều hơn so với trước khi được trao thẩm quyền về cơ chế đặc thù.
Hay như câu chuyện chính quyền đô thị mà TP.HCM đề xuất xin cơ chế đặc thù để có thêm quyền hành trong việc tổ chức, đề bạt nhân sự và phát triển đô thị. Nhưng mô hình chính quyền đô thị cần phải có thêm những điều kiện tiên quyết nào để chúng thật sự có tác động đến tăng trưởng kinh tế cũng cần phải được đặt ra một cách thật khoa học, chứ chính quyền đô thị chưa hẳn đồng nghĩa với phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Bất chấp điều này xảy ra thế nào, chuyện có thể thấy ngay là liệu những người tài giỏi có được tạo cơ hội cho bộ máy của chính quyền đô thị mới hay không, thì có lẽ ngay cả người trong cuộc cũng không dám đoan chắc. Phải nói thẳng là, lịch sử phát triển và bản sắc của TP.HCM thì không ai phủ nhận. Nhưng vấn đề sử dụng người tài trong bộ máy thì Thành phố chưa cho thấy nhiều điểm sáng. Phân cấp, phân quyền, nhưng không khéo cả nhà làm quan, một căn bệnh vốn đang trầm kha, thì hệ lụy sẽ rất lớn và khó thể chỉnh sửa trong một sớm một chiều.
Mục đích của cơ chế đặc thù là để TP.HCM không những trở lại là “Hòn ngọc Viễn Đông” như xưa, mà phải tỏa sáng hơn. Mong ước này không những phụ thuộc vào cơ chế chính sách riêng cho Thành phố, mà còn phụ thuộc vào những con người thông thái, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với tư duy dám đi ngược những giáo điều xưa cũ. Điều này không chừng lại là thách thức lớn nhất, lớn hơn bất kỳ cơ chế đặc thù nào mà Thành phố mong muốn.