Thực tế, khi cầu nội địa chưa được cải thiện đáng kể, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã nhắc đến điều này. Song tới phiên họp thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới lần đầu tiên nhấn mạnh vấn đề phải tăng tiêu dùng hộ gia đình bằng kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo niềm tin thị trường, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.
Số liệu tổng hợp cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm nay, sau khi trừ yếu tố giá cả, mới tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này dù lớn hơn so cùng kỳ năm 2016, nhưng chưa hẳn đã cao. Như vậy, khi sức mua chưa được cải thiện đáng kể, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước có thể bị ảnh hưởng.
Một con số khác, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng qua, tiêu dùng cuối cùng đã tăng 7,04%, cao hơn mức tăng 6,98% cùng kỳ năm trước, đóng góp 8,48 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung. Trong đó, tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 7,75 điểm phần trăm, tiêu dùng của Chính phủ chỉ đóng góp 0,73 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, tiêu dùng của Chính phủ khó tăng đột biến, thì tăng tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư là giải pháp hợp lý và cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này càng có ý nghĩa khi lũy tài sản chỉ đóng góp 4,26 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung. Trong khi đó, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tính trong GDP đang ở trong tình trạng nhập siêu và đã làm giảm tăng trưởng khoảng 7,01%.
Xét trên khía cạnh sử dụng cuối cùng, có thể thấy rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chỉ có thể “trông” vào tiêu dùng dân cư.
Cũng cần nhắc lại rằng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt “thúc” các ngành, lĩnh vực thực hiện nhiều giải pháp để làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay. Các chỉ số kinh tế vĩ mô sau 7 tháng và sau báo cáo từ các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy, các đơn vị này đều có thể hoàn thành kịch bản đề ra cho ngành, lĩnh vực mình.
Điều này giúp giảm bớt áp lực cho Chính phủ, nhưng chính người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng, không ép sản xuất bằng mọi giá để thua lỗ, rằng tăng trưởng sản xuất phải gắn liền với hiệu quả và rằng, mục tiêu tăng trưởng là quan trọng, nhưng hiệu quả kinh tế kèm theo cũng quan trọng.
Muốn tăng hiệu quả kinh tế, phải bắt đầu bằng tăng tiêu dùng. Than sản xuất ra, nhưng không tiêu thụ được, tồn kho lớn, thì có thể nói là có tăng trưởng, nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế thực sự. Tương tự, doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa, nhưng không xuất khẩu được, không tiêu thụ được trên thị trường nội địa, thì nguy cơ doanh nghiệp ngừng hoạt động là rất lớn. Bởi vậy, kích cầu tiêu dùng càng có ý nghĩa trong tạo động lực cho khu vực sản xuất thúc đẩy đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Không có tiêu dùng, sản xuất sẽ không thể phát triển.
Cũng chính vì vậy, khi hàng loạt giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh được thực hiện, mà không có kích cầu tiêu dùng đi cùng, thì vô hình trung lại là phi kinh tế. Điều đó cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế phải coi trọng cả cung lẫn cầu, thì mới thực sự tăng trưởng cao, bền vững và có hiệu quả - như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh.