Hiện có khoảng 44.500 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hiện có khoảng 44.500 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Để thoát các cuộc giải cứu

(ĐTCK) Một cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đại diện các hiệp hội nông lâm thủy sản và các chuyên gia trong ngành được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM đã bước đầu gợi mở giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà những người đang làm nông nghiệp gặp phải.

Được biết, buổi họp trên được tổ chức nhằm chuẩn bị cho hội nghị chuyên đề về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây chỉ là khởi đầu của nhiều cuộc nói chuyện sau này. Các bộ, ngành và doanh nghiệp sẽ có những cơ chế khác để gặp gỡ trao đổi nhiều hơn nhằm tìm giải pháp cho vấn đề đầu tư vào nông nghiệp.

Để một ngành mà Việt Nam có vô vàn lợi thế nhưng hiện chưa thể phát triển, câu chuyện không chỉ nằm ở việc quy hoạch vùng nguyên liệu, hệ thống phân phối điều tiết cung cầu, các vấn đề về phát triển và áp dụng cơ giới hóa, việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, mà còn cả vấn đề thuế, hải quan…

Theo GS. Phan Văn Trường, Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, vấn đề lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là không có một thị trường điều hòa các sản phẩm, cũng không có một hệ thống thống kê số liệu chuẩn về nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm. Ngoài ra, các vấn đề về phát triển và đầu tư vào nông nghiệp còn là câu chuyện tôn trọng luật pháp.

“Nếu không thực hiện nghiêm luật pháp ở tất cả các khâu từ quy hoạch vùng nuôi trồng, tiêu chuẩn xanh sạch cho các sản phẩm thì chúng ta mãi sẽ không có gì phát triển bền vững. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải xây dựng một hệ thống phân phối đủ lớn, nếu hệ thống phân phối rơi vào tay nước ngoài thì sẽ có rất nhiều vấn đề về đầu ra cho các sản phẩm”, GS. Trường nhấn mạnh.

Đại điện Công ty Tư vấn quản lý nông gia trang cho biết, Công ty trước đây làm hàng nông sản xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu theo tiêu chuẩn Global và thường gặp phải tình trạng hàng hóa thu mua xuất đi có vấn đề về dư lượng. Chính vì vậy, Công ty đã phải chuyển qua hướng dẫn nông dân làm nông nghiệp oganic (hữu cơ).

“Thị trường xuất khẩu giờ đã mở hết, nhưng để xuất khẩu được, chúng ta phải xây dựng và tiêu chuẩn hóa cho nông dân làm nông nghiệp sạch. Nông dân hiện giờ tự bơi, còn doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu sạch để xuất. Cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất, vùng chế biến cho thuận tiện thông thương tại mỗi tỉnh, thành phố thì việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm trồng trọt theo tiêu chuẩn quốc tế cũng phải được thực hiện nghiêm túc”, đại diện công ty trên nói.

Với kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai và phát triển một dự án rau hữu cơ đối với một số hộ nông dân tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng dự án Công dân chuyên nghiệp nói rằng, sự cân bằng giữa nhu cầu của người dùng rau và người trồng rau là mấu chốt của mạng lưới kết nối mà dự án hướng tới. Có người mua thì có người trồng, nếu làm ngược lại sẽ mất cân bằng, hoặc nông dân sẽ ở thế bấp bênh.

Theo ông Hải, đến thời điểm này, mạng lưới do ông và các đồng sự xây dựng có 30 nông dân tham gia, nhưng có hơn 1.200 gia đình, 9 cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp đăng ký làm đầu ra cho nông dân, nên không lo rau hữu cơ về Sài Gòn không có đầu ra.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, phát triển thị trường nông nghiệp phải là vấn đề của doanh nghiệp và cộng đồng. Sản xuất tự phát không có điều chỉnh đã xảy ra thường xuyên ở con cá tra và bây giờ vẫn đang xảy ra.

“Vấn đề thị trường không chỉ bán hàng, mà nghiên cứu thị trường, cân đối cung cầu thì mới không có những câu chuyện giải cứu nông sản hay giải cứu lợn như đã từng xảy ra”, bà Minh nói và đề xuất, để phát triển nền nông nghiệp sạch và bền vững, cần đi theo hai hướng: thứ nhất, quy hoạch và phát triển những vùng thực phẩm an toàn (vẫn dùng phân, thuốc, nhưng không quá ngưỡng cho phép); thứ hai, phát triển vùng nông nghiệp hoàn toàn theo hướng hữu cơ.

Một vấn đề khác được nêu ra tại cuộc họp là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không được hoàn thuế theo quy định tại Thông tư 130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn để kinh doanh. Theo đại diện Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, quy định không được hoàn thuế VAT đầu vào vô hình đẩy giá sản phẩm phân bón lên cao, doanh nghiệp mỗi năm mất vài trăm tỷ đồng không được hoàn thuế, không có tiền đầu tư cho ngành sản xuất hữu cơ thế hệ mới.                

Tin bài liên quan