Ðơn cử như vụ việc Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam thoái 51% vốn tại Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Hòa Bình, với 2 nhà đầu tư trúng đấu giá là Công ty cổ phần Sách và thiết bị giáo dục miền Bắc (đơn vị có 46% vốn nhà nước do chính Nhà xuất bản sở hữu) và ông Dương Ðình Thọ, Tổng giám đốc Công ty.
Vẫn nhà xuất bản này bán đấu giá bán toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Sách Hà Giang, đơn vị trúng đấu giá lặp lại là Công ty cổ phần Sách và thiết bị giáo dục miền Bắc.
Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư từng chứng kiến một số trường hợp kém minh bạch trong hoạt động thoái vốn nhà nước.
Chẳng hạn, ở một doanh nghiệp nhựa hàng đầu cả nước có vốn nhà nước đủ quyền phủ quyết, công ty con bỏ ra một lượng vốn lớn mua vào cổ phiếu của công ty mẹ với giá rất cao nhằm đẩy cổ đông nước ngoài ra khỏi công ty với lý do chống thâu tóm doanh nghiệp.
Giá cổ phiếu sau đó rớt sâu, nhiều cổ đông ấm ức vì khoản trích dự phòng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cổ đông ngoại thì kiếm được món lợi lớn, rút đi và truyền đi một thông điệp rộng rãi trên thị trường rằng, họ ra đi vì doanh nghiệp không minh bạch.
Hậu quả là Nhà nước khó thoái vốn tại doanh nghiệp vì bán thấp thì không được, bán cao không có nhà đầu tư nào dám tham gia khi ban lãnh đạo doanh nghiệp đã "đứng sừng sững" nắm một lượng lớn cổ phần.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận xét, dư luận vẫn cảm giác như vốn nhà nước ở nhiều doanh nghiệp được coi như những "chùm khế ngọt" để xoay vần.
Theo Quyết định số 1232/QÐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017-2020 sẽ thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong đó, năm 2017 thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp; năm 2018 thoái vốn tại 181 doanh nghiệp; năm 2019 thoái vốn tại 62 doanh nghiệp và năm 2020 là 28 doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng ra quyết định, 67 doanh nghiệp phải chuyển vốn nhà nước về Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn. Dù quyết định đã rõ, nhưng thực tế cho thấy, có cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp đã xin Thủ tướng không chuyển vốn về SCIC để họ tự thoái vốn.
Thoái vốn nhà nước không đúng tiến độ, không đạt kế hoạch là một tồn tại nổi cộm trong mấy năm gần đây. Theo số liệu của 2 Sở giao dịch chứng khoán, số doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn thực hiện đấu giá cổ phần, cũng như tỷ lệ thành công có xu hướng giảm mạnh từ năm 2016 cho đến nay.
Phía sau các cuộc đấu giá không thành công không hẳn vì năng lực hoạt động của doanh nghiệp quá yếu, mà có thể còn có nhiều nguyên nhân khác liên quan đến những toan tính, dàn xếp khác cần phải được nhìn thấu mới có thể thay đổi được hiện trạng ì ạch, bế tắc trong bán vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Ðã có nhiều tranh luận dấy lên quanh các thương vụ thoái vốn nhà nước có dấu hiệu thất thoát, thâu tóm đất vàng, thâu tóm doanh nghiệp bằng đấu giá khép kín mà cơ quan chức năng công bố gần đây. Thực tế này càng đặt ra tính cấp thiết của việc cần minh bạch hóa việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước.
Tiến trình thoái vốn, tìm cổ đông chiến lược bên ngoài cần minh bạch nhiều hơn nữa mới có thể chặn đi những toan tính của những nhóm lợi ích trong các cuộc thoái vốn.