Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã đưa ra những chủ trương, giải pháp chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong điều hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành ngân sách chủ động, hiệu lực, hiệu quả, kiểm soát an toàn lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cùng sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, năm 2024, GDP của Việt Nam tăng 7,09%, tương đương 476 tỷ USD; CPI cả năm tăng 3,63%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 4 - 4,5%; tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2024 đạt 786,3 tỷ USD, xuất siêu đạt 24,7 tỷ USD. Thu ngân sách đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt trên 19% (tăng 330.000 tỷ đồng) so với dự toán.
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Kết thúc năm 2024, chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với cùng kỳ năm 2023.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.080.260 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước đó, tương đương gần 70% GDP năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân đạt 20.849 tỷ đồng/phiên, tăng 18,6% so với bình quân năm 2023. Thị trường có 720 cổ phiếu niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 888 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Số lượng tài khoản của nhà đầu tư đạt gần 9,16 triệu tài khoản, tăng khoảng 26% so với cuối năm 2023.
Về thị trường trái phiếu, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 330.375,5 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, đạt 82,6% kế hoạch năm 2024 được giao. Giá trị giao dịch bình quân đạt 11.767 tỷ đồng/phiên, tăng 80,7% so với bình quân năm trước đó.
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau hơn một năm đi vào hoạt động đã vận hành an toàn, ổn định và thông suốt; thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân đạt 4.336 tỷ đồng/phiên.
Năm 2025 là một năm với những dấu mốc quan trọng, là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, kỷ niệm 80 năm thành lập nước, 50 năm thống nhất đất nước. Đối với ngành tài chính và thị trường chứng khoán cũng là năm với những sự kiện quan trọng: 80 năm thành lập ngành tài chính, 25 năm thị trường chứng khoán tổ chức vận hành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2025. |
Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, năm 2025 cần tăng tốc, bứt phá, khai thông các nguồn lực, tận dụng tối đa tiềm năng của đất nước để phục vụ cho phát triển kinh tế với yêu cầu kinh tế có những bước phát triển đột phá, phát triển bền vững.
Với yêu cầu đặt ra như vậy, nhiệm vụ của ngành chứng khoán phải nỗ lực không ngừng từ tất cả các thành viên của thị trường, từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư quốc tế, thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.
Chúng ta cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với các bộ, ngành chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam tập trung mọi nỗ lực để triển khai phát triển thị trường chứng khoán một cách bền vững, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm các nghị định và văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung; triển khai Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Hai là, đảm bảo hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán vận hành liên tục, an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán sau giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và các nhà đầu tư.
Ba là, sắp xếp và mở rộng thị trường, phân loại công ty niêm yết; đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm mới, chỉ số khác, thị trường mới, dịch vụ mới trên thị trường: nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ các-bon thứ cấp và thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Bốn là, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm trên các thị trường cổ phiếu, phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp riêng và nghĩa vụ công bố thông tin.
Năm là, chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực cho các nhà đầu tư cá nhân; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho nhà đầu tư, hạn chế tác động tâm lý do tin xấu, độc trên thị trường chứng khoán; thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Sáu là, chủ động trong công tác hội nhập, hợp tác quốc tế, tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường chứng khoán trong khu vực và thế giới.
Tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của Chính phủ nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và những giải pháp nêu trên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2025 phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ.
Một lần nữa, nhân dịp năm mới, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi xin chúc quý vị đại biểu cùng toàn thể các thành viên thị trường, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các cơ quan thông tấn, báo chí dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành công, chúc thị trường chứng khoán năm 2025 tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự hưng thịnh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
(Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2025. Tiêu đề do Báo Đầu tư Chứng khoán đặt)