Theo các nhà đầu tư, thông thường, có 2 kiểu thách thức mang tính “lửa thử vàng” đối với nhà sáng lập và start-up, đó là khi không có tiền trong tay và khi có rất nhiều tiền, đặc biệt là sau các vòng gọi vốn thành công. Trên thực tế, đã có nhiều bài học với start-up liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng dòng tiền.
Tháng 3/2022, Zilingo quyết định đình chỉ đối với nhà sáng lập, Giám đốc điều hành (CEO) Ankiti Bose vì những khiếu nại về bất thường tài chính.
Start-up này đã huy động được 310 triệu USD từ một số nhà đầu tư nổi tiếng nhất trong khu vực, bao gồm Temasek và Sequoia Capital India. Tuy nhiên, trong 2 năm hoạt động liên tiếp, Zilingo không nộp báo cáo tài chính hằng năm - đây là yêu cầu cơ bản đối với tất cả các start-up, thậm chí cả với start-up ở giai đoạn sớm.
Bên cạnh đó, Zilingo còn bị phát hiện ra các vấn đề về ghi nhận doanh thu, sử dụng vốn không hiệu quả khi đã “đốt tiền” tốn kém cho các hoạt động mở rộng sang các thị trường mới.
Tiếp theo, là câu chuyện xoay quanh sự quản lý yếu kém trong nội bộ Zilingo. Cuối cùng, CEO và Giám đốc vận hành (COO) đã phải rời khỏi Công ty vào tháng 7/2022. Nhà đồng sáng lập còn lại là Kapoor lên làm CEO thay thế, song đang gặp rất nhiều khó khăn để vực dậy công ty.
Sau đó không lâu, một loạt tin tức về sai phạm tài chính của start-up Spenmo (có trụ sở tại Singapore) lại tiếp tục giội “gáo nước lạnh” lên niềm tin của những người trong hệ sinh thái start-up, đặc biệt là các nhà đầu tư khởi nghiệp - những người vốn rất “kỷ luật” trong đầu tư và trở nên vô cùng thận trọng trong giai đoạn thị trường đi xuống như hiện nay.
Cụ thể, Giám đốc sản xuất (CPO) Andika Prasetya bị nghi ngờ đã lấy cắp khoảng 1,2 triệu đô la Singapore từ quỹ của start-up và khách hàng của mình, khiến Quỹ đầu tư Insight Partners và Alpha JWC Partners phải tiến hành một cuộc điều tra nội bộ.
Ngoài việc biển thủ tiền quỹ, Spenmo cũng có vấn đề về trách nhiệm và minh bạch chi phí kinh doanh. Các chi phí hàng tháng của Công ty, do CEO và CPO thực hiện, ít khi được ghi chép hoặc có biên lai và thường được chi cho mục đích giải trí cá nhân. Những vụ việc này cũng đã phơi bày các vấn đề lớn hơn trong Spenmo, bao gồm sự vắng mặt của các quy trình quản trị tài chính doanh nghiệp cần thiết.
Điểm chung của 2 start-up nói trên là, sau khi thành công với những vòng gọi vốn “khủng”, những sai phạm tài chính xảy ra, công ty hoạt động sa sút, các nhân viên phẫn nộ rời đi, các nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi về hiệu quả sử dụng dòng vốn đầu tư và bắt đầu đi vào điều tra. Nếu Zilingo gọi được tổng cộng 310 triệu USD, thì Spenmo khi kết thúc vòng gọi vốn Series B cũng huy động được 85,35 triệu USD.
Từ 2 trường hợp này, nhìn vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, các nhà đầu tư chiến lược muốn đồng hành với start-up cho rằng, nếu thực sự có tầm nhìn phát triển dài hạn, bền vững, thì sự kỷ luật trong việc duy trì những giá trị đạo đức của nhà sáng lập và đội ngũ, quản trị doanh nghiệp đúng đắn, kỷ luật quản lý tài chính hiệu quả và minh bạch là những nền móng vô cùng quan trọng, không thể thiếu cho bất kỳ doanh nghiệp nào.
Cùng với đó, các nhà sáng lập cũng cần có những bài kiểm tra, nếu không vượt qua được thì thất bại, còn nếu vượt qua được, thì sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Cả start-up và nhà sáng lập phải luôn đặt trong hoàn cảnh bị kiểm tra bản lĩnh, cả trong lúc không có tiền hay lúc có rất nhiều tiền. Trong những hoàn cảnh đó, bản lĩnh nhà sáng lập nằm ở việc giữ mình tỉnh táo, tập trung vào điều quan trọng nhất, không bị lạc lối, tiếp tục đưa công ty phát triển hơn nữa là điều vô cùng quan trọng.
Vậy nên, sau mỗi vòng gọi vốn, được rót nhiều tiền, cùng với niềm tin của các nhà đầu tư, nhân viên, đối tác của mình, các nhà sáng lập cũng chính thức bước vào “bài test” mới ở yêu cầu cao hơn, đòi hỏi bản lĩnh hơn trong việc giữ kỹ luật, đạo đức và thực hành quản trị tài chính doanh nghiệp.