Khu tái định cư Vĩnh Lộc B có 45 lô chung cư, nhưng chỉ có vài trăm hộ dân sinh sống. Ảnh: Trọng Tín

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B có 45 lô chung cư, nhưng chỉ có vài trăm hộ dân sinh sống. Ảnh: Trọng Tín

Để “sống được” tại nơi tái định cư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong những nguyên nhân khiến công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án trở nên khó khăn là do người dân e ngại tình trạng thiếu thốn đủ thứ tại nơi tái định cư.

Mới mà như… cũ

Sau thời gian dài mong đợi, những ngày cuối cùng của năm 2010, hàng trăm hộ dân thuộc diện tái định cư sống ven rạch Ụ Cây (quận 8) háo hức chuyển về chung cư Tân Mỹ (quận 7), giã từ cuộc sống ven kênh rạch bước vào khu đô thị mới và niềm vui dường như được nhân đôi khi ngày nhận căn hộ mới cũng là lúc cái tết kề cận.

Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chuyển về nơi ở mới chưa lâu thì các hạng mục công trình bắt đầu xuống cấp, hư hỏng. Nằm ngay trên mặt tiền đường Nguyễn Lương Bằng với 3 khối nhà (khu A và B là khu tái định cư, khu C là khu thương mại), nhìn vẻ khang trang bên ngoài, không ai nghĩ Chung cư Tân Mỹ là một dự án tái định cư, nhưng bên trong xập xệ không khác những chung cư cũ lâu năm, hệ thống 4 cầu thang máy chỉ 2 thang còn hoạt động, cầu thang bộ trở thành nơi chứa rác, bốc mùi hôi nồng nặc…

Cách đó không xa là Chung cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), dự án này dành cho các hộ dân thuộc khu vực giải tỏa các dự án cải tạo bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm, dự án thoát nước và cải thiện ô nhiễm tại kênh Tham Lương, do Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự án có quy mô 30,9 ha, đã xây dựng 45 block chung cư, cao 5 tầng, tổng cộng 1.939 căn hộ, 529 nền đất, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2010. Đây được xem là khu chung cư có quy mô lớn ở TP.HCM, nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa ở các quận 1, 6, 8, 11, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, dù đi vào hoạt động hơn 12 năm, nhưng khung cảnh hoang vắng, ảm đạm bao trùm lên toàn bộ 45 lô chung cư.

Đường chính vào khu tái định cư Vĩnh Lộc B thiết kế rộng 20 m, nối từ đường Trần Văn Giàu vào đường số 5 của khu dân cư này. Tuy nhiên, UBND huyện Bình Chánh chưa đầu tư xây dựng vì còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, nên hiện nay con đường vẫn chỉ là đường đá dăm rộng chưa tới 4 m, đầy “ổ gà”, bụi bặm khi trời nắng và lầy lội lúc trời mưa với cỏ dại, rác rưởi dọc hai bên lề.

Đường vào đã vậy, nhiều con đường nội khu giữa các lô chung cư cũng loang lổ, lởm chởm gạch đá. Hiện tại, chỉ có một số hộ dân ở rải rác trong các lô C, D và chủ yếu là người thuê nhà, còn các lô A, B, E hoàn toàn bỏ trống. Toàn bộ những căn hộ không người ở, không được quản lý nên đã xuống cấp trầm trọng, cỏ cao hơn người, nền gạch sụp lún, nứt nẻ.

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều khu tái định ở TP.HCM rơi vào tình trạng xuống cấp chỉ sau thời gian ngắn sử dụng. Theo chia sẻ của nhiều người dân, họ đã nhiều lần phản ánh lên ban quản lý chung cư nhưng hầu hết đều không có hồi âm, nếu có thì cũng chỉ là trả lời “lấy lệ”, thế nên tình trạng hư hỏng ngày một nặng nề hơn.

Tái định cư, không chỉ là nơi để ở

Tại Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022, nhằm hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, Ban chấp hành Trung ương đặt ra giải pháp là đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất và nội dung này đã được thể chế hóa tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi.

Trong đó, có nhiều nội dung mới được sửa đổi theo hướng có lợi cho người dân thuộc diện thu hồi đất, tái định cư. Chẳng hạn, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải họp dân trước khi ban hành thông báo thu hồi đất, Nhà nước có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của từng vùng, miền và phải tuân thủ pháp luật về nhà ở.

Với thể chế mới, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải thay đổi tư duy về nhà tái định cư, bởi vấn đề mấu chốt vẫn là phù hợp với nhu cầu thực tiễn và kế sinh nhai trong tương lai của mỗi người dân. Tại một hội nghị góp ý về cơ chế đặc thù cho TP.HCM mới đây, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) đã kể lại câu chuyện đền bù khi di dời người dân để xây dựng khu chế xuất này.

Ông cho biết, thời điểm đó, giá chuyển nhượng đất vùng ngập nước chỉ là 6.000 đồng/m2 trong khi tiền đổ đất san nền bằng phẳng là 12.000 đồng/m2. Theo tính toán, khi khu chế xuất hoàn thiện, giá đất có thể tăng gấp 10 lần, trong khi người dân nghèo nếu không được đền bù thỏa đáng sẽ khó ổn định đời sống. Do vậy, doanh nghiệp quyết định đền bù cho người dân không có giấy tờ đất là 11.500 đồng/m2 và có giấy là 13.000 đồng/m2.

Mặt khác, ban quản lý dự án cũng tính toán quy hoạch xây dựng khu tái định cư Tân Mỹ bên cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng với dự kiến khi hạ tầng đường Nguyễn Văn Linh cũng như Phú Mỹ Hưng được xây dựng, khu vực này sẽ chuyển mình từ vùng đầm lầy sang khu đô thị khang trang, hiện đại, người dân cũng sẽ thấy và hưởng được lợi ích từ việc phát triển hạ tầng của Nhà nước.

Tuy nhiên, điều ông suy tư nhất là khi làm dự án mới hiểu đất đai là tư liệu sản xuất, sinh hoạt, không gian sinh tồn của con người. Nếu đưa một người đang ở nhà lá ra khỏi đất, xây một chung cư khang trang rồi đưa họ lên ở tưởng là tốt, nhưng không hẳn vậy. Bao đời họ đã sống bám với mảnh đất đó, có nghèo cũng là môi trường thân quen, có thể kiếm sống trên mảnh đất đó, giờ lên chung cư ở không biết làm gì để duy trì cuộc sống.

“Khi làm khu Nam Sài Gòn, chúng tôi không chủ trương đền bù một lần cho người phải di dời mà đưa ra ý tưởng thành lập một doanh nghiệp theo hình thức công ty cổ phần để những người có đất có thể chọn hình thức góp vốn và họ được trả tiền lời suốt đời theo số vốn góp. Tuy nhiên, rất tiếc mô hình đó không được chấp nhận”, ông Dưỡng kể.

Luật sư Bùi Văn Tiến, Đoàn luật sư TP.HCM cho hay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, trước khi di dời người dân, chính quyền sẽ tiến hành điều tra, khảo sát kinh tế - xã hội và công tác này do một đơn vị tư vấn độc lập thực hiện kỹ lưỡng để nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện sống cũng như nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng giải tỏa. Dựa trên kết quả điều tra đó, đơn vị quản lý lập kế hoạch tái định cư có tính đến mạng lưới xã hội, lối sống của từng hộ dân.

Ở Việt Nam, việc điều tra xã hội học cũng được thực hiện, nhưng chủ yếu là nhằm xác minh nguồn gốc tạo lập đất để làm cơ sở đưa ra mức tiền đền bù, chứ chưa tập trung vào các yếu tố xã hội khác. Chưa kể, áp lực giải tỏa nhanh để thực hiện dự án khiến việc tái định cư trước nay chẳng khác gì “đem con bỏ chợ”. Không có việc làm, cuộc sống nhiều người dân cũng bị “treo” trên những chung cư tái định cư.

“Tái định cư phải gắn với sinh kế bền vững cho người dân, bao gồm giải quyết việc làm, xây dựng, kết nối hệ thống đường sá, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại... Có như vậy mới mong bù đắp phần nào những mất mát, xáo trộn đối với những người dân chịu thiệt thòi rời nơi ở cũ để phục vụ lợi ích cộng đồng”, ông Tiến nói.

Tin bài liên quan