Hiệu ứng “chuyển tiếp trong đàn” không còn hiệu quả
Khu vực châu Á phải chuẩn bị lực lượng lao động của mình từ bây giờ cho công cuộc tự động hóa và những công nghệ khác mà có thể thay thế việc làm của con người, đặc biệt là những nhiệm vụ giản đơn thường nhật trong chuỗi sản xuất toàn cầu, cũng như đầu tư cho những công nghệ cập nhật hàng đầu trong kỷ nguyên mới.
Cần nhanh chóng sửa đổi chính sách cho phù hợp nếu các quốc gia muốn tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp mới này - được biết đến rộng rãi là cách mạng “Công nghiệp 4.0”.
Các chính phủ cũng cần ưu tiên những chương trình phát triển kỹ năng và tập trung vào kỹ năng mềm, năng lực thành thạo máy tính và đào tạo thực hành tại tất cả các cấp của hệ thống giáo dục để chuẩn bị nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
Cho tới nay, châu Á đang phát triển đã được hưởng lợi rất lớn từ mô hình “đàn ngỗng bay” trong phát triển công nghiệp nối tiếp.
Ban đầu, Nhật Bản là “con ngỗng đầu đàn” trong việc nâng cấp từ các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều lao động sang các ngành công nghệ cao. Sau khi Nhật Bản chuyển đổi sang các ngành công nghiệp tiên tiến, những hoạt động sản xuất đòi hỏi nhiều lao động đã được phân bổ sang các nước đang phát triển như Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.
Ông Shixin Chen, Phó chủ tịch chuyên trách Nghiệp vụ 1, Ngân hàng Phát triển châu Á
Việc chuyển hoạt động ra nước ngoài này đã tạo ra việc làm ở những quốc gia đang phát triển, nhưng cách tiếp cận “chuyển tiếp trong đàn” giờ đây có thể không còn hiệu quả. Tự động hóa sẽ làm giảm chi phí sản xuất, khiến việc chuyển hoạt động ra nước ngoài truyền thống không còn cần thiết trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, chi phí lao động để sản xuất một áo sơ mi vải bông tại Mỹ trước đây là khoảng 7 USD so với chỉ 0,5 USD ở Ấn Độ hoặc 0,22 USD tại Băng-la-đét, nhưng nay sẽ giảm xuống còn khoảng 0,40 USD nếu sử dụng rô-bốt.
Điều này sẽ khuyến khích việc đưa hoạt động sản xuất ở nước ngoài về lại chính quốc khi các nền kinh tế phát triển thay thế lao động của con người bằng máy móc trong những nhiệm vụ đơn giản thường nhật. Việt Nam có thể mất tới 26% số việc làm do quá trình đưa hoạt động sản xuất về lại chính quốc này.
Ngay cả trong khu vực châu Á đang phát triển, máy móc tự động đã bắt đầu thay thế lao động của con người. Chẳng hạn, một báo cáo gần đây của Chính phủ Bangladesh cho thấy, tổng số lao động trong ngành dệt may của nước này đã giảm từ 4,4 triệu trong năm 2013 xuống còn 3,6 triệu trong năm 2017, với nguyên nhân chính được cho là do tự động hóa.
Tại công ty Esquire Knit Composite ở vùng ngoại ô phía Bắc của Dhaka, Bangladesh, những máy móc tự động hóa hoàn toàn từ Italy đang được sử dụng cho công đoạn cắt, còn máy móc bán tự động từ Nhật Bản được sử dụng cho công đoạn may và hoàn thiện. Chỉ công đoạn là và gập được thực hiện bằng tay, chiếm 30% tổng lao động trong nhà máy. Ngay cả điều này cũng sẽ sớm thay đổi, khi các máy là và gập tự động gần đây đã xuất hiện trong một số nhà máy.
4 lĩnh vực cần nhanh chóng đáp ứng
Để chuẩn bị tương lai chắc chắn cho lực lượng lao động, cần thiết phải hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng của khu vực. Trên khía cạnh này, bốn lĩnh vực sau cần được nhanh chóng đáp ứng.
Thứ nhất, các nhà quản lý cần xây dựng một lực lượng lao động có thể thích ứng với các nhu cầu thay đổi của công nghệ trong thời đại cách mạng Công nghiệp 4.0. Các kỹ năng nền tảng và kỹ năng nghề nghiệp, cũng như năng lực học tập không ngừng, là những yêu cầu then chốt cho thế hệ người lao động mới.
Ít nhất một nửa số lao động hiện thời ở châu Á cần trang bị những kỹ năng mới thiết yếu hoặc cải thiện kỹ năng, theo nhận định của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Và khoảng một nửa trong số các hoạt động đào tạo này phải dựa vào những đơn vị đào tạo nhà nước và tư nhân ở bên ngoài.
Thứ hai, cần tăng cường năng lực kỹ thuật số. Philippine đã đưa ra khung chương trình giáo dục kỹ năng thành thạo máy tính quốc gia cho học sinh ở bậc tiểu học và trung học, với mục đích tạo ra các công dân kỹ thuật số của thế kỷ 21, những người có thể sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các công cụ kỹ thuật số một cách tự tin, có trách nhiệm và có đạo đức.
Thứ ba, khu vực này cần phải xa rời cách thức học thuộc lòng, thay vào đó chú trọng vào tính sáng tạo, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, cũng như những kỹ năng mềm như giao tiếp.
Cuối cùng, khu vực cần đáp ứng những cơ hội mới xuất hiện bằng cách phát triển các kỹ năng liên quan tới ngành nghề. Những xu thế hàng đầu trong thị trường việc làm bao gồm các kỹ năng mới như kỹ sư học máy, chuyên gia phân tích phát triển ứng dụng, lập trình viên xử lý dữ liệu (back-end), và các nhà khoa học dữ liệu. Mặc dù chỉ có rất ít cơ sở đào tạo tại châu Á đang phát triển đã sẵn sàng để chuẩn bị người lao động trong những lĩnh vực mới này, song một số đơn vị đã bắt đầu tìm hiểu các chương trình để thực hiện việc đào tạo này.
Ví dụ, Sri Lanka đang thành lập các khoa mới về công nghệ tại 11 trường đại học công lập. Các trung tâm sáng tạo và hợp tác với doanh nghiệp đã được thành lập tại những trường đại học này để tạo ra một thế hệ các chuyên gia mới - những người được trang bị năng lực để sử dụng các công nghệ của cách mạng Công nghiệp 4.0.
Trong khi đó, tại Bangladesh, 640 trung tâm đào tạo ICT tại các trường trung học trên khắp cả nước đã bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2019 như một bước thí điểm cho việc giáo dục kỹ năng thành thạo máy tính.
Cộng hòa Kyrgyzstan và Armenia đang lên kế hoạch rõ ràng để tăng cường giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, còn gọi là STEM. Những sáng kiến này cần được ưu tiên và mở rộng. Các quốc gia có thể học hỏi từ kinh nghiệm này để xây dựng những hệ thống phát triển kỹ năng hiệu quả, dựa trên bối cảnh và các cấu trúc thể chế riêng của họ.
Khi cuộc cách mạng công nghiệp mới này diễn ra, các hệ thống phát triển kỹ năng ở châu Á đang phát triển cần sự chuyển đổi mạnh mẽ. Thất bại trong hành động ngay hôm nay sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng. Bởi khả năng tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng của khu vực châu Á đang phát triển phụ thuộc vào điều đó.