Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 20/3 tại Hà Nội.
Nhiều dư địa phát triển
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD, thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo 2020 là 179 tỷ USD.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, sau khi chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc và gặt hái được nhiều thành quả tích cực, với kênh bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần với tốc độ tăng trưởng 11,8%. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết, thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ.
So với tình hình thực tế phân bố dân cư ở Việt Nam thì mạng lưới bán lẻ còn thưa thớt, nhiều dư địa để phát triển. Ước tính, hiện nay với mật độ độ trung bình 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi
- Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương)
Hiện tại, thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: đại siêu thị/trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình. Với đặc điểm về vốn, kinh nghiệm, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lựa chọn phân khúc riêng hoặc cố gắng hiện diện ở tất cả các phân khúc như Sài Gòn Co.op hay Vingroup.
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị vẫn được duy trì ở mức cao (trên 80%), trong đó tỷ lệ tại các siêu thị nội địa là áp đảo như Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vinmart (96%), Vissan (95%), Hapro (95%)…
Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 65 - 95%, cụ thể: Lotte, Big C (90%), AEON - Citimart (82 - 85%), Auchan (65%), Trung tâm thương mại Emart (96%), Trung tâm thương mại Saigon Centre (68%)…
Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
“So với tình hình thực tế phân bố dân cư ở Việt Nam thì mạng lưới bán lẻ còn thưa thớt, nhiều dư địa để phát triển. Ước tính, hiện nay với mật độ độ trung bình 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Đây chính là dư địa để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần. Cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng…, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển”, bà Nga nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa.
Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đã liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới.
Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến cuộc đổ bộ của những ông lớn nước ngoài, với làn sóng đầu tư mới đã và đang tạo nên làn gió mới trong xu hướng tiếp cận và phục vụ khách hàng trong kỷ nguyên số.
Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này dữ báo sẽ ngày càng khốc liệt.
Cạnh tranh bằng công nghệ
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, nhiều cạnh tranh, nếu doanh nghiệp Việt Nam không chủ động hội nhập, có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế của mình ngay trên thị trường sân nhà.
Nhận thức được điều này, ông Vượng nhấn mạnh, Hapro sẽ tập trung đầu tư cho 2 mảng chính quan trọng nhất là xuất khẩu và thương mại nội địa, đi vững trên cả 2 chân để đảm bảo duy trì vị thế trên thị trường thế giới và trong nước. Đặc biệt, với mảng thương mại nội địa, Hapro sẽ đầu tư cho bán lẻ tiếp thị với việc phát triển mạnh các chuỗi siêu thị đang là mô hình khá thành công của doanh nghiệp tại các đô thị lớn như Hà Nội.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thị trường bán lẻ Việt Nam đến nay đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn trong và ngoài nước, song sự phát triển cũng mới chỉ là giai đoạn đầu, cơ hội còn rất nhiều cho các nhà đầu tư đến sau, nhất là các nhà bán lẻ có thương hiệu, có sự khác biệt và ứng dụng các công nghệ quản lý bán hàng đang phát triển nhanh trên thế giới.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan toả vào lĩnh vực thương mại bán lẻ và lĩnh vực tiêu dùng xã hội ở các nước. Ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống”, ông Thành nhận định.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội khuyến nghị, với sự phát triển của công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi sẽ đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ, đồng thời thay đổi những hành vi mua sắm của người tiêu dùng xã hội, các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết vấn đề này để sử dụng những công nghệ tiên tiến vào quản lý kinh doanh của mình để nâng cao năng lực cạnh tranh