Ngày 15/8/2023, cổ phiếu Vinfast đã niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ).

Ngày 15/8/2023, cổ phiếu Vinfast đã niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ).

Để niêm yết trên sàn ngoại, doanh nghiệp Việt cần rèn nội lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Bristol (Anh quốc) nhận xét, niêm yết trên sàn ngoại và bài toán huy động vốn quốc tế cần sự phát triển bền vững và cách tính đường dài của doanh nghiệp Việt Nam. 

Là người có tầm nhìn bao quát về thị trường tài chính thế giới, ông có nhận xét gì về sự kiện Vinfast lên sàn chứng khoán Mỹ gần đây cũng như một số doanh nghiệp khác có kế hoạch lên sàn ngoại?

Đầu tiên, cần khẳng định rằng việc một công ty Việt Nam thành công niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ là một điều đáng mừng. Nó thể hiện rằng chúng ta đã biết cách chơi cuộc chơi của quốc tế và đã có đủ khả năng làm việc với các tổ chức tư vấn niêm yết của nước ngoài để có những trường hợp niêm yết thành công, hoặc là đang có những kế hoạch niêm yết. Từ nhiều năm trước, chúng ta đã mong đợi điều này và việc nhiều công ty làm được điều đó đánh dấu một bước trưởng thành của các doanh nghiệp và giới tài chính ở Việt Nam.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Bristol (Anh quốc)

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Bristol (Anh quốc)

Với đà tăng trưởng cao của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh và đủ nguồn lực để chi trả cho những dịch vụ tư vấn, cũng như chiến lược làm đẹp hình ảnh doanh nghiệp để vượt qua khung cửa niêm yết. Điều đáng mừng này vì vậy không phải tự nhiên đến, mà là một kế hoạch ấp ủ của nhiều thế hệ và được ủng hộ bởi nguồn lực từ phát triển kinh tế suốt hơn một thập kỷ qua tạo ra.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức rằng, niêm yết trên sàn nước ngoài chỉ là một trong những công cụ để huy động vốn và phần nào đó là quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ ra sao, có huy động được vốn không, hay sau vài năm lại bị hủy niêm yết hoặc buộc phải chuyển sang một sàn thấp hơn là chuyện bình thường ở thị trường chứng khoán nước ngoài, nhất là những thị trường như Mỹ. Những điều này đã và đang diễn ra với các công ty của Trung Quốc và châu Âu thì cũng có thể diễn ra với công ty của Việt Nam.

Vì vậy, chúng ta nên xem đó là niềm vui nho nhỏ để nếu có gì đó không đi đúng hướng, sẽ không bị hụt hẫng.

Theo ông, việc doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài có điểm thuận lợi, khó khăn gì?

Hai thuận lợi chính của niêm yết ở sàn ngoại là về mặt huy động vốn quốc tế (thường có mặt bằng lãi suất rẻ hơn ở Việt Nam) và nâng cao uy tín và hình ảnh doanh nghiệp (nhờ các công bố thông tin theo chuẩn quốc tế và sự xuất hiện trên truyền thông quốc tế).

Tuy nhiên, ở phía khó khăn, đó là áp lực tuân thủ chuẩn mực công bố thông tin khắt khe hơn, sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý thị trường tài chính nước ngoài cũng như giới phân tích nước ngoài - những người có thể không có nhiều thông tin về đặc thù của kinh tế Việt Nam. Sự thiếu hiểu biết sâu sắc về đặc thù kinh tế Việt Nam có thể dẫn đến những đánh giá thấp với tiềm năng của công ty Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều hoạt động được chấp nhận ở trong nước lại có thể bị xem là vi phạm các tiêu chuẩn về xã hội, môi trường và quản trị (ESG) ở nước ngoài, xuất phát trong khác biệt về giá trị văn hóa. Đây là những điểm mà công ty niêm yết trong nước cần có một đội ngũ tư vấn am hiểu cả vấn đề Việt Nam và nước ngoài tham gia hỗ trợ để hóa giải khó khăn.

Trước đây, đã có doanh nghiệp Việt Nam là Cavico lên niêm yết trên sàn Nasdaq nhưng sớm phải rời sàn do không thực hiện được cam kết về công bố thông tin. Khi niêm yết trên sàn ngoại, ví dụ như Mỹ, đâu là những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý?

Như đã nói ở trên, đây là một trong những áp lực. Hiện tại, so với giai đoạn của Cavico, doanh nghiệp ngoài thông tin về tài chính, còn sẽ phải đối mặt với những công bố thông tin về báo cáo phát triển bền vững, thông tin về hoạt động ESG cũng như có những buổi tiếp xúc cổ đông và nhà phân tích…

Đây thường là những con dao hai lưỡi, khi mà những thông tin hỏi và trả lời trực tiếp ở những buổi này có thể mang lại góc nhìn thiện cảm hoặc ngược lại tạo ra những phản ứng tiêu cực từ giới truyền thông và đầu tư nước ngoài. Có rất nhiều ví dụ tốt và xấu về chuyện này mỗi năm ở Mỹ và những tập đoàn hàng chục năm kinh nghiệm niêm yết đôi khi cũng mắc sai lầm trong những lần đối đáp trực tiếp đó.

Không đi không tới, bản lĩnh ra biển lớn của doanh nghiệp Việt nên được thúc đẩy và cổ vũ như thế nào để hạn chế sự thất bại nếu có?

Ở đây, nên làm rõ rằng, việc niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại là một tầm nhìn đáng được khuyến khích, nhưng không phải là mục tiêu bằng mọi giá phải đạt được. Nó không phải chiếc đũa thần, mà tiềm ẩn những rủi ro của nó.

Đó là rủi ro không đáp ứng được tiêu chí công bố thông tin, số liệu báo cáo thiếu rõ ràng và có độ vênh với chất lượng của báo cáo kế toán trong nước với tiêu chuẩn kế toán quốc tế, cũng như áp lực của truyền thông và những nhà phân tích quốc tế, vốn không hiểu nhiều về doanh nghiệp Việt Nam, có thể làm xao nhãng những mục tiêu chính của doanh nghiệp.

Điều mấu chốt là nâng cao chất lượng quản trị để đảm bảo khi mang doanh nghiệp ra niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài, đó phải là những doanh nghiệp tốt thật sự.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Bristol (Anh quốc)

Chưa kể, có những cá nhân có thể thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết trên sàn quốc tế nhằm đạt mục đích lương, thưởng và hào quang cá nhân, nhưng lợi ích thực chất lại không đạt được.

Vì vậy, điều mấu chốt là nâng cao chất lượng quản trị và giám sát doanh nghiệp trong nước, để đảm bảo khi mang doanh nghiệp ra niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài, đó phải là những doanh nghiệp tốt thật sự.

Cũng như khi chúng ta chọn xuất khẩu thì chọn sản phẩm tốt mới xuất đi để giữ uy tín. Chốt chặn đầu tiên để giảm thiểu rủi ro thất bại khi ra biển lớn chính là khâu kiểm tra an toàn và chất lượng ở trong nước.

Theo ông, nếu có kế hoạch niêm yết ở nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị và chú ý những điểm gì?

Niêm yết ở nước ngoài vẫn là một rào cản khá lớn cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, mà hai rào cản lớn là công bố thông tin và chất lượng quản trị. Thời gian trước còn một rào cản khác là thiếu những định chế trung gian tư vấn niêm yết có kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng qua thời gian, đặc biệt là sau những đợt niêm yết ở nước ngoài lần này, thì khó khăn này đã ít đi.

Thời gian tới, có thể còn có các thử thách mới, là những tiêu chí tuân thủ và công bố thông tin từ tự nguyện trở thành bắt buộc. Đó là các yếu tố về môi trường, tác động xã hội và quản lý công ty (ESG). Các công ty sẽ phải cân nhắc kỹ về nhu cầu huy động vốn, quảng bá hình ảnh với việc niêm yết ở nước ngoài.

Những kết quả niêm yết của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, dù đáng tự hào, cũng cho thấy niêm yết quốc tế không phải hoàn toàn màu hồng, bên cạnh những vinh quang sẽ là những nghi ngờ, theo dõi sát sao, những nhận xét kém thiện cảm - điều mà khi chỉ niêm yết trong nước, người trong nước cũng dễ nể nang và bao dung hơn.

Với một doanh nghiệp ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, những nhà phân tích trong nước dễ cảm thông, nhưng khi ra quốc tế, thì đó là sân chơi bình đẳng, người ta không vì mình đến từ nước đang phát triển mà ưu ái. Nếu sân chơi quá sức, dễ nhận lại những quả đắng, thay vì trái ngọt. Kinh nghiệm niêm yết của những công ty đi trước sẽ rất quý giá và sẽ là những bài học tham khảo cho những công ty đi sau lựa chọn có nên niêm yết ở nước ngoài hay không.

Tin bài liên quan