Giới đầu tư đã chất vấn cơ quan quản lý 3 vấn đề nóng tại VBF giữa kỳ 2014

Giới đầu tư đã chất vấn cơ quan quản lý 3 vấn đề nóng tại VBF giữa kỳ 2014

Để ngỏ lộ trình nới room

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2014 diễn ra ngày 5/6, giới đầu tư nhìn nhận, cơ quan quản lý đã có những nỗ lực cải thiện thị trường vốn, TTCK, nhưng chưa được như kỳ vọng.

Từ “ăn hỏi” đến “đám cưới” quá lâu

Liên quan đến câu chuyện nâng cao chất lượng hàng hóa cho TTCK, đại diện cho Nhóm công tác thị trường vốn, ông Kiên Nguyễn đề nghị, việc cổ phần hóa (CPH) DNNN phải gắn liền với niêm yết trên TTCK, để khắc phục tình trạng hạn chế hiện nay là sau khi CPH, rất nhiều DN không lên niêm yết.

“Nếu như CPH được ví như đám hỏi, thì việc đưa DN lên niêm yết như tổ chức đám cưới. Thông thường, hai việc này rất gần nhau, nhưng thực tế, có trường hợp, đám hỏi tổ chức 8 năm rồi mà vẫn chưa có tín hiệu cho thấy đám cưới sẽ được tổ chức”, ông Nguyễn ví von. Ông cũng cho rằng, khi tiến hành CPH DNNN, không nên đặt nặng mục tiêu tối đa hóa nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn. Bán cổ phần với giá thấp hoặc cao không quan trọng bằng việc nâng cao hiệu quả hoạt động trung và dài hạn của DN. Một ví dụ thành công về CPH DNNN là CTCP Sữa Việt Nam (VNM). Khi VNM được CPH năm 2003, thì giá trị của Công ty này chỉ là 100 triệu USD, nhưng hiện đã tăng lên gần 5 tỷ USD…

Giải đáp kiến nghị trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung nhìn nhận, đúng là nhiều DN sau CPH chưa niêm yết, nhưng điều này có nhiều lý do. Theo đó, sau CPH, việc DN có niêm yết hay không là quyền của cổ đông DN. Mặt khác, sau CPH, DN phải đủ các điều kiện về lợi nhuận, mức độ đại chúng, thì mới được niêm yết. “Tuy nhiên, để thúc đẩy việc gắn cổ phần hóa với niêm yết, Bộ Tài chính đang cân nhắc ban hành cơ chế sau khi DN CPH và đã là DN đại chúng, thì phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Sau bước trung gian này, khi DN hội đủ các điều kiện theo quy định thì sẽ lên niêm yết…”, ông Trung cho hay.  

Để ngỏ lộ trình nới room

Một câu hỏi không chỉ đại diện Nhóm công tác thị trường vốn, mà cả đại diện các hiệp hội DN đầu tư nước ngoài quan tâm đặt câu hỏi, là bao giờ nới room cho NĐT nước ngoài?

“Theo cam kết WTO, Việt Nam đã cho phép NĐT nước ngoài sở hữu 100% vốn điều lệ của CTCK đang hoạt động, hoặc thành lập CTCK mới 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài tại các DN niêm yết trên TTCK Việt Nam vẫn còn giới hạn ở 49%. NĐT nước ngoài rất mong đợi Bộ Tài chính đưa ra các đề xuất nâng hoặc gỡ bỏ hoàn toàn giới hạn này…”, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam đề nghị.

Theo đánh giá của Nhóm công tác thị trường vốn, việc hạn chế tỷ lệ sở hữu tại DN của NĐT nước ngoài làm giảm sức hút của TTCK và chưa tận dung được tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các DN đại chúng sẽ giúp tăng thu hút vốn ngoại, qua đó, tăng thuế và phí thông qua giao dịch trên TTCK, đồng thời giảm chi phí vốn cho các DN, cải thiện tính hiệu quả của TTCK, đẩy nhanh lộ trình CPH DNNN.

Vì những lợi ích trên, Nhóm công tác thị trường vốn đề nghị tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước bằng việc bán bớt cổ phần nhà nước trong các DN không thuộc diện nhạy cảm và hạn chế. Trước mắt, có thể giảm bớt sở hữu Nhà nước tại các công ty niêm yết khoảng 35%. Thời gian sau có thể giảm xuống thêm...

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính không trả lời trực diện câu hỏi trên, mà cho biết, cùng với tiến trình CPH DNNN đang được đẩy mạnh từ nay đến năm 2015, trong đó có định hướng về lộ trình giảm bớt phần vốn nhà nước tại các DN không thuộc các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm…, sẽ mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các NĐT.

Minh bạch, UBCK vào cuộc thôi chưa đủ

Theo nhóm công tác thị trường vốn, những thông tin mới về luật pháp, hoặc thông báo về những văn bản luật mới được công bố, cần được đăng tải lên website của cơ quan quản lý bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Đối với công ty cổ phần, cần có quy định yêu cầu các bản tin, thông báo về thực hiện quyền, họp ĐHCĐ hay các sự kiện của công ty cổ phần, được đăng tải lên website của DN bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trong cùng một ngày. Điều này cần ít nhất áp dụng cho công ty đại chúng và công ty không phải công ty đại chúng, nhưng có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên...

Kiến nghị này được đưa ra trong bối cảnh UBCK đang triển khai kế hoạch đưa TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên hiện tại, lên thị trường mới nổi trong bảng xếp hạng MSCI. Một trong những giải pháp  mà UBCK dự kiến thực hiện năm 2014, là công bố toàn bộ các văn bản pháp luật, thông tin về sở hữu tại DN niêm yết bằng tiếng Anh trên trang thông tin điện tử của UBCK. Tuy nhiên, chỉ nỗ lực của UBCK là không đủ, mà cần sự vào cuộc của các chủ thể trên thị thị trường.    

Tin bài liên quan