Chiều 20/1, đại diện VKS đã phát biểu luận tội, đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Quốc Anh (cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) từ 5 - 6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh trên, các bị cáo còn lại bị đề nghị án: Nguyễn Ngọc Hiền (nguyên Phó giám đốc bệnh viện) từ 4 - 5 năm tù, Trịnh Thị Thuận (Kế toán trưởng bệnh viện) từ 30 - 36 tháng tù cho hưởng án treo; Lý Thị Ngọc Thủy (Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán bệnh viện) 24 - 30 tháng tù cho hưởng án treo.
Bốn bị cáo còn lại gồm: Phạm Đức Tuấn (cựu Giám đốc Công ty Công nghệ y tế BMS - Công ty BMS) 30 - 36 tháng tù treo, Ngô Thị Thu Huyền (nguyên Phó giám đốc Công ty BMS) từ 24 tháng - 30 tháng tù treo, Trần Lê Hoàng (nguyên thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội - VFS) từ 30 - 36 tháng tù và Phan Minh Dung (nguyên Tổng Giám đốc Công ty VFS) từ 24 - 30 tháng tù.
Về biện pháp tư pháp, đề nghị tịch thu toàn bộ số tiền thu lời bất chính.
Theo cáo buộc, quá trình triển khai thực hiện đề án lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật, các bị cáo đã làm trái quy định để Công ty BMS tham gia liên danh, liên kết nhưng “thổi giá” Robot Rosa từ 7,4 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng (gấp gần 5 lần).
Trong đó, bị cáo Quốc Anh không thông qua Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai để thống nhất chủ trương làm đề án liên danh, liên kết, lựa chọn đối tác, chủng loại thiết bị.
Quá trình thực hiện đề án không có văn bản đề xuất lắp đặt máy của Khoa Phẫu thuật thần kinh.
Đại diện Viện Kiểm sát xác định, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Quốc Anh đóng vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết. Bị cáo Phạm Đức Tuấn giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện để cho Bệnh viện Bạch Mai ký được hợp đồng. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm thực hiện.
Quá trình điều tra, bị cáo Quốc Anh khai nhận từ bị cáo Tuấn 100 triệu đồng và 10.000 USD. Bị cáo Tuấn khai nhận đưa 400 triệu đồng và 10.000 USD. Tòa án xác định lời khai của bị cáo Quốc Anh là có cơ sở.
VKS cho rằng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những người bệnh. “Cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định”, VKS nhận định.
Theo VKS, các bị cáo là những người có chức vụ công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS có quá trình rèn luyện bài bản, chuyên sâu.
“Đáng lẽ các bị cáo phải là người tiên phong, đi đầu nắm vững pháp luật nhưng lại lợi dụng chức vụ, làm trái công vụ, không chấp hành pháp luật, làm tăng chi phí chữa bệnh của người bệnh…Việc đưa ra xét xử thể hiện pháp luật không có vùng cấm”, VKS nhận xét.
VKS cũng nhấn mạnh về bối cảnh, nguyên nhân xảy ra vụ án. Theo VKS, xã hội hóa dịch vụ công là chủ trương đúng nhằm nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh. Đề án trên được triển khai khi pháp luật tài sản công có hiệu lực, quy trình quy định theo Thông tư 15 chưa chặt chẽ dẫn đến có nhiều cách vận dụng khác nhau như không quy định trách nhiệm của bệnh viện về thẩm định giá. Điều này dẫn đến có việc thông đồng giữa Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS.
“Công ty BMS phải chi phí thêm nhiều khoản như chuyển giao công nghệ, đào tạo bác sĩ, chi phí rủi ro… Đây là những chi phí có thật nhưng là chi phí dự kiến nên BMS phải che giấu. Về phía Bệnh viện Bạch Mai đã thông đồng với BMS để Công ty BMS thỏa thuận với thẩm định giá để hợp thức hóa”, VKS đánh giá.
Cũng theo VKS, Bệnh viện Bạch Mai phải chịu áp lực đổi mới. Bị cáo Quốc Anh đã “nóng vội” và thỏa thuận với bị cáo Tuấn để thực hiện liên danh, liên kết; chỉ đạo cấp dưới triển khai xong trước ngày 27/2/2017 mà bỏ qua các quy trình, quy định.
Trước tòa, đại diện Công ty BMS cho biết, công ty đã ký hợp đồng tặng robot Rosa cho Bệnh viện Bạch Mai. Công ty nhận trách nhiệm bảo hành, cử kỹ sư bảo hành, bảo trì và các chi phí cho hệ thống robot hoạt động.