Qua các ý kiến đại biểu, có 2 nội dung nổi bật được nhấn mạnh gồm việc tách bạch quản lý nhà nước với chức năng đại diện vốn và cần có một đơn vị chuyên trách quản lý vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.
Theo đại biểu Ngô Văn Minh, có một nội dung quan trọng chưa được thể hiện trong Dự Luật, đó là vấn đề mô hình quản lý vốn nhà nước.
“Luật Đầu tư chỉ sang Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp chỉ sang Luật này, còn Luật này lại chỉ ra Chính phủ. Mô hình quản lý chưa được thể hiện rõ trong Luật này” – đại biểu Ngô Văn Minh nói.
Cũng theo đại biểu này, cần phải tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi sản xuất kinh doanh, phải làm rõ ai là đại diện chủ sở hữu. Đây là vấn đề quan trọng nhất. Những điều khoản khác của Luật được thiết kế tương đối tốt rồi, nhưng không làm tốt chỗ này thì luật ban hành ra không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tương tự, đại biểu Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh, chúng ta xây dựng luật này, nhưng vẫn chưa định hình được mô hình quản lý trong tương lai. Vốn Nhà nước chủ sở hữu là toàn dân, giao cho Chính phủ quản lý, sử dụng nhưng Quốc hội lại đứng ngoài việc kiểm ra giám sát. Cần có quy định để một số tập đoàn ở quy mô lớn phải báo cáo với Quốc hội.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, hiện nay vốn nhà nước gồm hơn 1 triệu tỷ đồng năm ở doanh nghiệp nhà nước đang bị rải rác, phân tán ở nhiều bộ, ban, ngành, địa phương.
Việc phân tán dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả, có nơi thừa vốn, gửi ngân hàng với lãi suất thấp, chỗ thiếu vay thì đi vay với lãi suất cao. Do đó, cần cần cơ quan chuyên môn quản lý số vốn này và chịu trách nhiệm trước 90 triệu cổ đông là 90 triệu người dân và Quốc hội là cơ quan đại diện của cổ đông, giám sát việc quản lý, sử dụng đồng vốn này.
Đại biểu Ngân ủng hộ việc hình thành Tổng cục quản lý vốn nhằm tập trung đầu mối quản lý, sử dụng và có chiến lược, tính toán đầu tư vào các ngành, lĩnh vực. “Nếu chưa có cơ quan này, có thể quản lý tập trung ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Bộ Tài chính”- đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Đại biểu Phạm Huy Hùng cũng ủng hộ việc thành lập Tổng cục quản lý vốn Nhà nước từ mô hình SCIC hiện nay.
Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến nhằm đảm bảo Luật Quản lý vốn không mâu thuẫn, chồng chéo với 2 luật Đầu tư và Doanh nghiệp vốn gắn chặt với hoạt động của doanh nghiệp.
Theo chương trình, Dự luật này sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26/11 tới đây.