Tại Hội thảo Xử lý nợ xấu tại Việt Nam: Giảm thiểu các rủi ro trong ngành ngân hàng và cải thiện sự phát triển của nền kinh tế do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức ngày 26/9 tại Hà Nội, ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia cao cấp ngành tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới đặt câu hỏi: “Nghị quyết 42 (nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 - PV) có bao gồm miễn nhiễm trách nhiệm cho các Công ty AMC và nhân viên của các công ty này?”
Trao đổi tại Hội thảo, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN cho biết, theo ông, ở hầu hết các quốc gia, nhiều trường hợp, các cá nhân tham gia quá trình tái cơ cấu TCTD, xử lý nợ xấu phải đưa ra những quyết định mà người khác không hiểu được. Nói như ngôn ngữ dân gian là “năm ăn năm thua”. Khi có những quyết định này thì không thể nói rằng nó sẽ mang lại thành công hay thất bại, vì kết quả cuối cùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Cũng theo ông Sơn, nếu không có điều khoản miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này, thì sẽ có lúc, những tình huống bị lật trở lại, trong khi những hoàn cảnh đã trôi qua rồi, mà đứng ở vị trí người nhìn lại thì sẽ có những suy nghĩ khác.
Do đó, những người tham gia quá trình trước đây có thể bị xem xét lại về vấn đề trách nhiệm, đặc biệt là khi kết quả xử lý không được như ý muốn.
“Như vậy, mục tiêu xuyên suốt của NHNN, Chính phủ luôn muốn trình Quốc hội thông qua điều khoản miễn trừ trách nhiệm cho những cá nhân tham gia vào quá trình tái cơ cấu TCTD. Với điều kiện là người tham gia hành động cẩn trọng, hết trách nhiệm của mình, kết quả là khách quan. Điều khoản này sẽ giúp miễn trừ trách nhiệm về hình sự, dân sự đã được đưa vào dự thảo của Luật các TCTD, nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng tình và nhất trí của các đại biểu Quốc hội”, ông Sơn nói.
Đồng quan điểm, ông Sumant Batra, Giám đốc điều hành Công ty Luật Kesar Dass B & Associates (Ấn Độ), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Quản tài viên Quốc tế cho rằng, bảo vệ việc miễn trừ trách nhiệm trước Quốc hội là điều khó khăn và luôn gặp nhiều tranh cãi khác nhau.
Tuy nhiên, ông Sumant Batra khẳng định, cần có một số loại hình miễn trừ trách nhiệm để các hành vi ngay tình, không phải là hành vi cố ý được bảo vệ bởi luật và cũng cần cẩn trọng để tránh tình trạng “phủi tay”.
“Làm thế nào để thiết kế được loại hình miễn trừ trách nhiệm nhằm đảm bảo hiệu quả việc giải trình, cũng như cần có cơ chế kiểm tra và đối trọng”, ông Sumant Batra nói.
Ông Dato Sri Abdul Hamidy, Chủ tịch Ủy ban Tái cơ cấu các khoản nợ của doanh nghiệp Malaysia (CDRC) cho biết, toàn bộ cán bộ xử lý nợ của CDRC được pháp luật bảo vệ. Trong đó, bao gồm biện pháp được mua bảo hiểm toàn hộ trách nhiệm cho cán bộ kể cả khi thôi việc hay nghỉ hưu. Như vậy, nếu có kiện tụng sau đó sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ.
Ông Sơn cho rằng, kinh nghiệm của Malaysia là một minh chứng tốt để có được sự ủng hộ thêm của Quốc hội trong thời gian sắp tới.
Thực tế, trong Dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu đã đưa vấn đề miễn trừ trách nhiệm cho cán bộ tham gia xử lý ngân hàng yếu kém. Cụ thể, khi tham gia xử lý TCTD yếu kém, cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, nhân sự của TCTD được chỉ định tham gia hỗ trợ không chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả của việc thực hiện xử lý TCTD yếu kém.
Theo cơ quan soạn thảo, việc khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém chưa hoàn thiện đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho NHNN nói chung, cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng (bao gồm cán bộ, công chức tham mưu của NHNN, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, các nhân sự của TCTD được NHNN chỉ định tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng mua bắt buộc).
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ cũng như công tác chỉ đạo của NHNN. Qua đó, tác động lớn đến nguồn nhân lực xử lý TCTD yếu kém.
Tuy nhiên, Dự luật không thay đổi trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến nợ xấu, tình trạng yếu kém của TCTD. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân này được thực hiện theo quy định pháp luật.