Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) phát biểu tại Hội trường sáng 25/5

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) phát biểu tại Hội trường sáng 25/5

Đề nghị kéo dài Gói hỗ trợ phục hồi hoặc là nghiên cứu ban hành thêm gói mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đa số đại biểu Quốc hội đồng ý đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, trong đó một số đại biểu gợi ý có thể thiết kế thêm gói hỗ trợ mới.

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Đề nghị kéo dài Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 như Dự thảo trình Quốc hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội để đưa các dự án hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn.

Để Nghị quyết 43 được triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị, đề xuất đến Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo 03 nội dung:

Một là, nhanh chóng nghiên cứu đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả các nội dung tồn tại hạn chế nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát.

Hai là, ngay sau kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành tập trung nghiên cứu xem xét hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho 27 địa phương, bộ ngành với 70 kiến nghị, được tổng hợp tại phụ lục 5 ban hành kèm theo Báo cáo của Đoàn giám sát.

Ba là, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách đến từng doanh nghiệp đủ điều kiện biết để tham gia.

Rút kinh nghiệm về tính khả thi và đúng thời điểm

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) nhận định, quá trình thực hiện Nghị quyết 43, chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8%. Đối với chính sách giảm thuế đến cuối năm 2024, nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm 2025, đây là thời điểm “giáp hạt” đối với doanh nghiệp.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị)

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị)

Đại biểu cho rằng, bài học rút ra sau khi thực hiện Nghị quyết 43 là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm, một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác.

"Do đó, nếu trong tương lai chúng ta lại có các chương trình gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống", ông Đồng nói.

Theo đại biểu, nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn hơn và cần tập trung vào một số ngành rất cụ thể. Ví dụ vào thời điểm mới bắt đầu hết giãn cách, khôi phục các đường bay nên tính đến việc giảm VAT hàng không về 0 hoặc giảm các loại phí và thuế khác, điều này có thể giúp cho ngành hàng không và các ngành khác phục hồi phát triển kinh tế nhanh hơn…

Văn bản hướng dẫn một số chính sách chậm và chưa thống nhất

Đóng góp ý kiến cho quá trình thực hiện Nghị quyết 43, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, qua thực tế triển khai thực hiện cũng như nghiên cứu báo cáo và phụ lục kèm theo cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 còn có những bất cập, tồn tại hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình)

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình)

Trong đó, đáng chú ý là việc xây ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Đơn cử như: Chính sách tiền thuê nhà cho người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm, Quyết định số 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/3/2022 quy định được triển khai thực hiện chính sách đến hết ngày 15/8/2022. "Chỉ có 4,5 tháng để triển khai thực hiện là rất gấp gáp và nhiều khó khăn", bà Dung nhận định.

Trong khi đó, có địa phương, đối tượng thụ hưởng chính sách này lên tới hàng trăm nghìn người, cần có thời gian tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải quyết. Do đó, còn nhiều người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng nhưng hết thời gian thực hiện chính sách nên không được hưởng.

Bên cạnh đó, có địa phương ban hành thêm điều kiện được hưởng, thêm danh mục hồ sơ đề nghị hưởng chính sách, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người lao động và tạo tâm lý cho họ không muốn làm thủ tục đề nghị hưởng chính sách. Cùng với đó là tình trạng văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách có quy định chưa rõ ràng, chưa thống nhất dẫn đến chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra.

Chính sách hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm

Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng cần rút ra một số bài học kinh nghiệm về quá trình thực hiện Nghị quyết 43 vừa qua.

Theo đại biểu, bài học thứ nhất là về tính kịp thời trong tổ chức thực hiện, đây là yêu cầu quan trọng nhất, xuyên suốt nghị quyết trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra. Nghị quyết quy định rất rõ các giải pháp phải kịp thời, các chính sách, phải khẩn trương và nguồn vốn phải hấp thụ được ngay. Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, đến nay có một số nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành, làm giảm tính thời sự, ảnh hưởng đến tính ứng phó kịp thời của một số chính sách.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP. Hà Nội)

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP. Hà Nội)

Bài học thứ hai về cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. Đại biểu cho biết, bên cạnh rất nhiều chính sách hợp lý cũng có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống như: chính sách hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại, chính sách hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển du lịch hay việc sử dụng Quỹ viễn thông công ích…

Nếu có thể làm lại, cá nhân đại biểu cho rằng rất cần có trọng tâm trọng điểm. "Chúng ta không cần nhiều chính sách, nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt là cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì và doanh nghiệp thực sự muốn gì", bà Mai nói.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đồng ý với đề xuất của Chính phủ tiếp tục kéo dài thời hạn giải ngân đối với một số dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đến hết năm 2025.

Đại biểu cho biết, trong số 272 dự án thuộc Chương trình, có tới 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí, đây cũng là bài toán cần xem xét thận trọng. Tuy nhiên, theo đại biểu, đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan có thể hủy dự toán; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Xem xét chuyển nguồn vốn đối với các chính sách kém hiệu quả

Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Nghị quyết số 43/2022/QH15 nói riêng còn có một số tồn tại, hạn chế: một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về tính rõ ràng, chồng chéo và tính khả thi, dẫn đến việc nhiều bộ ngành và địa phương phải tổ chức xin ý kiến, hướng dẫn và gây thêm chi phí (thời gian, tài chính) không cần thiết cho doanh nghiệp; chưa tạo được cách tiếp cận và động lực đủ mới cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh…

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh)

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh)

Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét theo tình hình thực tế cho điều chuyển nguồn vốn đối với các chính sách kém hiệu quả sang các chính sách mà xã hội, người dân đang có nhu cầu, nhằm phát hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ.

Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ xem xét tăng thêm nguồn vốn cho địa phương thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP và các chính sách giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp; sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời chú trọng hơn nội dung cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính và môi trường đầu tư - kinh doanh.

Đáng chú ý, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu tiếp tục cho kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 hoặc nghiên cứu khả năng xây dựng một Chương trình phục hồi kinh tế mới trong giai đoạn 2024-2025 nhằm tiếp tục rà soát, hỗ trợ cho các đối tượng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Tin bài liên quan