Đề nghị đầu tư hoàn chỉnh các nút giao khi mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương

0:00 / 0:00
0:00
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh các nút giao thông khi đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: Anh Quân

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: Anh Quân

Ngày 7/8, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM có công văn số 10325 /SGTVT-KH gửi Công ty cổ phần Tập Đoàn Đèo Cả góp ý về phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Sau khi nghiên cứu báo cáo tiền khả thi và tổ chức lấy ý kiến góp ý của UBND huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, các Sở, ngành liên quan; Sở GTVT thống nhất quy mô đề xuất của nhà đầu tư là mở rộng thành 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp.

Đối với tuyến đường nối từ Tân Tạo đến Chợ Đệm và từ Bình Thuận đến Chợ Đệm để nối vào đường cao tốc, cơ quan quản lý giao thông của TP.HCM đề nghị Liên danh nhà đầu tư, đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát, dự báo lưu lượng xe để phân tích, đề xuất phương án mở rộng đảm bảo phù hợp với lượng xe trong tương lai.

Riêng các nút giao thông, đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất xây dựng các nút giao thông với đường Tỉnh lộ 10, Võ Văn Kiệt nối dài, Thế Lữ, Tân Túc, kênh 10.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư nút giao hoàn chỉnh với Quốc lộ 1 tại giao lộ Tân Tạo và giao lộ Bình Thuận. Bởi vì đây là nút giao nằm ở cửa ngõ TP.HCM để đi các tỉnh miền Tây, lưu lượng xe rất cao và thường xuyên diễn ra tình trạng kẹt xe.

Khi thực hiện mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương Sở GTVT TP.HCM lưu ý, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013, có quy hoạch tuyến đường trên cao số 5 chạy dọc tuyến Vành đai 2 dài gần 87 km (kiến nghị đầu tư sau năm 2030) .

Hơn nữa, trong dự thảo quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có quy hoạch hệ thống đường trục chính đô thị (ít gián đoạn, chủ yếu giao cắt khác mức), trong đó có tuyến số 5 và tuyến số 9 (chạy dọc Quốc lộ 1 dài 10,4 km kiến nghị đầu tư trước năm 2030).

Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM đề nghị nhà đầu tư rà soát, cập nhật quy hoạch tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trên mặt cắt ngang tuyến (Cục Đường sắt Việt Nam đã đăng tải hồ sơ quy hoạch tuyến và ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM trên trang thông tin điện tử của Bộ Giao thông Vận tải).

Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung - Lương - Mỹ Thuận được Bộ GTVT lựa chọn Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Công ty cổ phần Tasco (Liên danh ĐCG-CII-TASCO) là nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Tin bài liên quan