Ngày 1/1/2018, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết chưa nhận được văn bản hay đề nghị nào của Tổng thầu EPC dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông chi 1 triệu USD để sơn sửa lại đoàn tàu bị sơn vẽ bậy.
"Ban Quản lý dự án đường sắt chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Tổng thầu có nội dung như trên. Ban cũng khẳng định, trách nhiệm và chi phí khôi phục lại màu sắc của đoàn tàu theo thiết kế là trách nhiệm của Tổng thầu", ông Vũ Hồng Phương, Q.Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.
Theo ông Phương, thực tế phần vỏ toa tàu làm bằng inox và được dán đề - can có màu xanh, không phải là nước sơn trực tiếp lên vỏ tàu. Ban Quản lý dự án đã yêu cầu Tổng thầu đưa nhà sản xuất đoàn tàu (ở Trung Quốc) sang để tìm phương án khôi phục lại.
"Chi phí để khôi phục lại màu sắc đoàn tàu bị vẽ bậy không đến mức 1 triệu USD như một số báo, trang mạng thông tin", ông Phương nói thêm.
Phần đầu tàu bị vẽ bậy
Trên một số trang báo, mạng xã hội vừa qua đưa thông tin "Tổng thầu Trung Quốc đề nghị Ban Quản lý đường sắt Hà Nội chi 1 triệu USD sơn lại toa tàu bị vẽ bậy", trong đó có nêu "ngày 28/12/2017, Tổng thầu yêu cầu chi trả 1 triệu USD để sơn lại toa tàu bị vẽ bậy, thời gian từ 5/1- 5/2/2018" và "nước sơn là loại nước sơn đặc biệt cao cấp và chuyên dụng".
Tuy nhiên, có thể thấy nội dung thông tin đề cập không đúng với tên của đơn vị quản lý dự án (Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội hiện đang làm đại diện chủ đầu tư dự án Nhổn - ga Hà Nội)
Trước đó, sáng 26/12/2017, Ban QLDA đường sắt nhận được thông tin từ Tổng thầu EPC về việc có đối tượng đột nhập vào công trường nhà ga Cát Linh và dùng sơn vẽ lên đoàn tàu đậu tại ga này. Ngay sau đó, Ban đã cử cán bộ ra kiểm tra thực tế hiện trường, đồng thời chỉ đạo Tổng thầu EPC báo cáo cụ thể sự việc tới cơ quan chức năng.
Ban QLDA đường sắt cũng yêu cầu Tổng thầu lập tức tăng cường công tác bảo vệ trên toàn công trường, đồng thời có văn bản hỏa tốc gửi Công an TP. Hà Nội và công an các quận của Hà Nội nơi có dự án đi qua đề nghị hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, ngăn ngừa hiện tượng phá hoại tài sản công trình làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Được biết, Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông dài gần 13km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Vừa qua, nhà thầu đã cho chạy thử tàu để kiểm tra đường ray toàn tuyến. Bộ GTVT mới đây chỉ đạo yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án phải nỗ lực vượt qua khó khăn, bằng mọi giá hoàn thành dự án trong năm 2018.