Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn đang đợi được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính được Phó trưởng ban Lưu Bình Nhưỡng ký ngày 26/7, Ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế hướng dẫn Cục Thuế Hà Nội khẩn trương thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xuất khẩu tinh bột sắn của Công ty An Phát theo đúng các quy định của pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Đề nghị này, theo nội dung văn bản Ban Dân nguyện gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, Ban Dân nguyện đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi kết quả thực hiện trước ngày 10/8 để Ban báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023.
Trong Văn bản, Ban Dân nguyện đã nhắc tới việc đã tiếp và nhận đơn của Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu toàn cầu An Phát (Công ty An Phát) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Công ty khiếu nại việc Tổng cục Thuế, Cục thuế Hà Nội cố ý đùn đẩy trách nhiệm, không thực hiện việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng, từ các năm 2020, 2021 cho Công ty An Phát, mặc dù Công ty đã thực hiện đẩy đủ các thủ tục, hồ sơ hoàn thuế theo quy định của pháp luật và hồ sơ hoàn thuế cũng đã được cơ quan công an Hà Nội xác minh, trả lời theo đề nghị của Cục thuế Hà Nội.
Theo đó, đã thể hiện rõ tất cả các đối tác, các ngân hàng, tài khoản ngân hàng liên quan, giá trị hàng hóa, dịch vụ đầu vào, đầu ra, kết quả xác minh tại các chi cục Hải quan có liên quan, hàng hóa được xuất khẩu 100% qua các cửa khẩu, đúng khối lượng, đúng giá trị hàng theo đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp.
Trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, Ban Dân Vận trình bày ý kiến của Hiệp hội Sắn Việt Nam và Công ty An Phát về việc một số doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc từ chối xác nhận thông tin việc thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, do có tình trạng lợi dụng chính sách nhập khẩu tiểu ngạch của cư dân biên giới, nên số doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc đã che dấu thông tin nhập khẩu, từ chối xác nhận thông tin thực hiện hợp đồng nhập khẩu với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để né tránh trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng 13% đối với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch do pháp luật thuế của Trung Quốc quy định.
Tuy nhiên, Hiệp hội và các doanh nghiệp cũng làm rõ, việc một số doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc không thực hiện kê khai trung thực nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa với cơ quan thuế Trung Quốc là trách nhiệm của doanh nghiệp, thương nhân Trung quốc với cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc và không ảnh hưởng đến việc thực hiện hoàn thuế VAT của doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng các doanh nghiệp buộc phải lên tiếng do việc này gián tiếp gây bất lợi cho một số doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam, khi cơ quan thuế Việt Nam thực hiện tương trợ tư pháp với cơ quan thuế Trung Quốc để xác minh về đối tác Trung Quốc.
Vấn đề này không chỉ một mình Công ty An Phát đang đối mặt, mà nhiều doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Sắn Việt Nam. Tuần trước, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt An (Nghệ An) cũng đã có công văn gửi trực tiếp Chủ tịch Quốc hội, đề nghị có phiên điều trần tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo các doanh nghiệp, thuế VAT là loại thuế gián thu và tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng và các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu đã ứng trước tiền thuế VAT để nộp vào ngân sách nhà nước.
Việc chậm hoàn thuế VAT đã làm cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng tinh bột sắn; ảnh hưởng đến các hoạt động thu mua, chế biến sản phẩm từ cây sắn – là cây trồng chủ lực phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo của đồng bào dân tộc các tỉnh vùng Trung du miền núi và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu doanh nghiệp với bạn hàng Trung Quốc.