Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo Quốc hội trong phiên làm việc đầu giờ sáng 25/10

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo Quốc hội trong phiên làm việc đầu giờ sáng 25/10

Đề nghị bổ sung OTP, Token OTP, sinh trắc học (eKYC) có vai trò như chữ ký điện tử

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị hình thành chương riêng về chữ ký điện tử, thay vì quy định trong 5 điều tại Dự thảo Luật Giao dịch điện tử.

Hình thành chương riêng về chữ ký điện tử

Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo Quốc hội trong phiên làm việc đầu giờ sáng 25/10, đã nhấn mạnh khá nhiều đến nội dung dịch vụ tin cậy (như chữ ký số, cấp dấu thời gian) trong giao dịch điện tử.

Đây là yếu tố quan trọng và xuyên suốt quá trình thực hiện. Nhà cung cấp dịch vụ tin cậy là đối tượng được ủy thác bởi các bên giao dịch để chứng thực độ tin cậy trong suốt quá trình giao dịch điện tử.

“Đây là mắt xích quan trọng điều chỉnh các giao dịch điện tử, có thể ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch này. Do đó, Ủy Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tán thành việc bổ sung các dịch vụ tin cậy mới nhằm tăng cường mức độ an toàn, tin cậy cho các giao dịch trên môi trường mạng”, ông Lê Quang Huy báo cáo.

Cũng chính vì sự quan trọng này, nên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, làm rõ một số vấn đề, cùng với đó nghị hình thành chương riêng về chữ ký điện tử, thay vì quy đính trong 5 điều trong Dự thảo Luật Giao dịch điện tử.

Cụ thể, hiện nay, cùng với việc sử dụng chữ ký điện tử đang tồn tại một số biện pháp xác thực khác như tin nhắn điện tử (SMS), xác nhận mật khẩu dùng một lần (OTP), Token OTP, sinh trắc học (eKYC) ...

“Do đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực này với vai trò như là chữ ký điện tử”, ông Huy nhấn mạnh.

Quy định về các tiêu chuẩn cụ thể tối thiểu về chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử để người dân và cơ quan nhà nước có thể áp dụng ngay mà không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi.

Liên quan đến quy định tại khoản 2 Điều 27 về trách nhiệm của tổ chức sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lo ngại sẽ làm phát sinh giấy phép, tăng chi phí trong vận hành đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng.

“Trong khi quy định của Luật hiện hành mang tính xã hội hóa, đang được triển khai thực hiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy làm rõ.

Về công nhận và sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài, báo cáo thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thủ tục công nhận tổ chức cung cấp chữ ký điện tử nước ngoài và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thay vì giao Bộ Thông tin và Truyền thông như quy định trong dự thảo Luật.

Trước đó, khi báo cáo trước Quốc hội về nội dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã báo cáo, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) về cơ bản không thay đổi về nguyên tắc so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử dùng riêng, chữ ký số, chữ ký số chuyên dùng chính phủ và chữ ký số công cộng. Chương này cũng quy định cụ thể hơn việc sử dụng, công nhận chữ ký điện tử nước ngoài.

Theo Bộ trưởng, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của các loại hình chữ ký điện tử, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng.

Bổ sung nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử

Đặc biệt, liên quan đến các quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để bổ sung nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử từ người dân và doanh nghiệp gửi, không được từ chối hoặc yêu cầu bổ sung bản giấy hoặc nghiên cứu bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử ở Điều 8.

Lý do là mặc dù các cơ quan nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội, các thủ tục về hộ tịch, lý lịch tư pháp… , nhưng vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp và người dân bị từ chối tiếp nhận văn bản bằng điện tử hoặc tiếp nhận xong vẫn yêu cầu nộp thêm bản giấy.

Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động gaio dịch điện tử, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, phải tính tới sự đồng bộ và lộ trình phù hợp để có tính khả thi.

Tin bài liên quan