Nguy cơ sụt giảm mạnh an toàn vốn (CAR) nếu không được chia cổ tức bằng cổ phiếu
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank (VCB) từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.
Theo báo cáo của Chính phủ, Vietcombank – cùng với các ngân hàng thương mại nhà nước khác- giữ vai trò chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, được xác định là “sếu đầu đàn” của ngành tài chính – ngân hàng.
Tuy nhiên, vốn điều lệ hiện nay của VCB là 55.891 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhiều ngân hàng TMCP tư nhân như: VPBank (79.339 tỷ đồng), Techcombank (70.450 tỷ đồng) và không có sự cách biệt lớn so với một số NHTM cổ phần khác như MB (52.871) tỷ đồng, ACB (44.667 tỷ đồng), SHB (36.629 tỷ đồng).
Do đó, nếu VCB không được tăng vốn điều lệ thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ cũng là cơ sở để VCB mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong việc thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.
Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB nhằm tạo điều kiện để VCB đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định hiện nay. Mặc dù tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Vietcombank vẫn đảm bảo (CAR riêng lẻ là 11,05%, CAR hợp nhất là 11,39% tính tại thời điểm cuối năm 2023) song thấp hơn nhiều ngân hàng TMCP tư nhân ở Việt Nam (VPBank và MB là 12-13%, Techcombank là 13-15%). CAR của VCB cũng thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á (CAR trung bình của các ngân hàng Indonesia là 23,27%, Thái Lan là 20,24%, Myanmar là 18,9%, Singapore là 17,1%, Australia là 16,6%...).
Hơn nữa, CAR của Vietcombank phụ thuộc lớn vào phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ mà VCB đang giữ lại (chiếm khoảng 50% vốn tự có), trái phiếu tăng vốn (chiếm khoảng 5% vốn tự có) và không bền vững.
Cụ thể, vốn tự có riêng lẻ của Vietcombank tại thời điểm 31/12/2023 là 172.338 tỷ đồng. Tuy nhiên, trường hợp VCB phải chia cổ tức bằng tiền mặt đối với toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ này (74.425 tỷ đồng) mà không được trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng Vốn điều lệ thì Vốn tự có của VCB chỉ còn ở mức 97.913 tỷ đồng, tỷ lệ vốn cấp 1 và CAR giảm xuống mức 5,64% và 6,28%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu của NHNN và ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng của VCB do không đảm bảo yêu cầu về an toàn vốn.
Ngoài ra, so với mục tiêu Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và hướng tới đáp ứng yêu cầu của Hiệp ước Basel III nêu trên thì tỷ lệ CAR của VCB vẫn còn rất thấp.
Như vậy, mặc dù hiện tại VCB vẫn đảm bảo về tỷ lệ an toàn vốn nhưng phần Vốn tự có chưa bền vững. Ngoài ra với định hướng tiếp tục mở rộng quy mô tín dụng trong các năm tiếp theo thì VCB rất cần được giữ lại lợi nhuận còn lại sau thuế và sau trích lập các quỹ để tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn CAR.
Tăng vốn, Vietcombank có thêm tiềm lực để hỗ trợ nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Không chỉ tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn, theo báo cáo của Chính phủ, việc tăng vốn cho Vietcombank sẽ giúp cho ngân hàng có tiềm lực để tiếp tục phát huy trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế.
Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước là cơ sở để VCB nâng cao năng lực tài chính, có nguồn lực để cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt lớn. Theo quy định tại Điều 136 Luật Các TCTD năm 2024, giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người liên quan phụ thuộc vào vốn tự có. Do vậy, trường hợp VCB không được đầu tư bổ sung vốn nhà nước thì với mức vốn tự có hiện tại của VCB sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia có nhu cầu vốn đặc biệt lớn như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng Quốc gia, cầu đường, cảng biển,…
Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB cũng là điều kiện cần thiết để VCB có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, NHNN giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ sẽ giúp cho VCB nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á (về tổng tài sản) theo mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, đầu tư vốn nhà nước vào VCB sẽ mang lại hiệu quả cho nhà nước thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (NSNN). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân giai đoạn 2019-2023 của VCB ở mức cao và cao hơn so với bình quân thị trường (23%). Do vậy, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào VCB mang lại hiệu quả cho nhà nước thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ với NSNN.
Thực tế, trong 10 năm qua (2014-2023), tổng số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của VCB đạt trên 71.000 tỷ đồng, trong đó thuế nộp NSNN đạt khoảng 53.000 tỷ đồng, tổng cổ tức bằng tiền mặt nộp vào NSNN đạt khoảng 18.500 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ tính riêng 3 năm 2021, 2022, 2023, VCB đã nộp vào NSNN khoảng 29.000 tỷ đồng.
Đề nghị bổ sung vốn nhà nước hơn 20.000 tỷ đồng cho Vietcombank: Chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 49,5%, tăng vốn lên 83.557 tỷ đồng
Theo tờ trình của Chính phủ, Vietcombank đang thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng và Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, ngân hàng cũng hướng tới đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu theo chuẩn mực Basel III, trong đó: CAR đạt 12% năm 2024, 13% năm 2025 và 13,5% năm 2026.
Để đảm bảo mục tiêu CAR đạt 13,5% vào năm 2026 thì mức vốn tự có tại thời điểm 31/12/2026 là 300.801 tỷ đồng (tương ứng với quy mô tài sản có rủi ro dự kiến 2.228.158 tỷ đồng). Vốn tự có của VCB tại 31/12/2026 dự kiến là 182.635 tỷ đồng tăng 10.297 tỷ đồng so với 31/12/2023. Theo đó, mức vốn tự có thiếu hụt giai đoạn 2024-2026 để đảm bảo CAR mục tiêu là: 118.166 tỷ đồng. Trường hợp VCB phải thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì được chia bằng cổ phiếu để tăng vốn thì mức vốn tự có thiếu hụt còn cao hơn, khoảng 125.435 tỷ đồng.
Do vậy, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 là hết sức cần thiết để VCB đảm bảo được hệ số CAR theo Chiến lược nói trên.
VCB xây dựng Kế hoạch tăng vốn tự có giai đoạn 2024-2026 thông qua tăng vốn điều lệ để bù đắp vốn tự có thiếu hụt 118.166 tỷ đồng từ hai nguồn: Nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2024-2026: 82.131 tỷ đồng (thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu) và nguồn phát hành cổ phần riêng lẻ: 32.689 tỷ đồng. Tuy vậy, phương án phát hành riêng lẻ mới đang ở giai đoạn xúc tiến do thị trường chưa thuận lợi, phương án tăng vốn khả thi nhất là chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo phương án mà Chính phủ đề xuất, Vietcombank sẽ phát hành 2.766.600.173 cổ phiếu để chia cổ tức, tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, Vietcombank sẽ có vốn điều lệ 83.557 tỷ đồng. Nguồn sử dụng để phát hành và tăng vốn điều lệ là lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Trong đó: Cổ đông Nhà nước: 20.695 tỷ đồng và cổ đông ngoài nhà nước là 6.971 tỷ đồng. Thời gian thực hiện: Năm 2024 và tiếp tục trong năm 2025 nếu chưa hoàn thành.
Đối với lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023: Hiện nay, trên cơ sở đề xuất của Người đại diện phần vốn nhà nước tại VCB, căn cứ quy định tại Luật 69/2014/QH13 và các văn bản có liên quan, NHNN đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư bổ sung vốn cho VCB.
Toàn bộ vốn điều lệ được bổ sung sẽ tiếp tục sử dụng làm nguồn vốn hoạt động kinh doanh của VCB, đầu tư phát triển và chuyển đổi số; hướng tới mục tiêu chung là để nâng cao năng lực tài chính, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn CAR theo Basel III; mở rộng quy mô hoạt động, hiện đại hóa ngân hàng; hoàn thành các mục tiêu theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.
Khoản 3 Điều 17 Luật số 69/2014/QH13 quy định: “Trường hợp đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có mức vốn bổ sung tương đương với mức vốn của Dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư”. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật Đầu tư công năm 2019 thì “Dự án quan trọng quốc gia là Dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau và có sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên…”.