Phát triển kinh tế đêm là tất yếu, nhưng cũng cần những bước đi thận trọng
Cách đây gần 2 năm, bằng Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Chính phủ xác định, trước mắt phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hoá, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch, diễn ra từ 18h đến 6h hôm sau.
Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc là những nơi có thể triển khai ngay hoạt động này. Sau đó, sẽ đánh giá hiệu quả để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và nhân rộng ra các địa phương khác. Song từ đó đến nay, các hoạt động kinh tế đêm hầu như “bất động” do đại dịch Covid-19.
Trước khi Covid-19 ập đến, kinh tế đêm đã manh nha phát triển ở một số đô thị, trung tâm du lịch lớn như khu phố cổ và phố đi bộ quanh hồ Gươm (Hà Nội), phố Bùi Viện (TP.HCM), chợ đêm Dinh Cậu (Phú Quốc), chợ âm phủ (Đà Lạt), chợ đêm Nha Trang, chợ đêm Vũng Tàu. Bên cạnh đó là sự phát triển của hệ thống các quán bar, pub, karaoke, cửa hàng tiện lợi 24/24…
Thế nhưng, sản phẩm, dịch vụ về đêm còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách. Doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách tại Việt Nam thấp có nguyên nhân từ khoảng trống khai thác các dịch vụ sau 24h. Trong khi đó, nhu cầu của du khách sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật về đêm rất lớn, chứ không chỉ loanh quanh ở phố đi bộ, chợ đêm, quán karaoke, vũ trường hay ăn vặt.
Bài học của những nước đi trước cho thấy, kinh tế đêm không những giúp phát triển thêm việc làm, thu nhập cho người dân, mà còn tăng thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, mô hình chợ đêm ở Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Đà Nẵng... đã giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo sinh kế ổn định cho người dân, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, quảng bá các sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương...
Cuối năm 2020, các tour đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò và Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội dẫu chỉ được triển khai trong thời gian ngắn, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhưng đêm nào cũng “cháy” vé. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của các dịch vụ vui chơi về đêm.
Có thể thấy, phát triển kinh tế ban đêm cũng tương tự như một chiến lược cạnh tranh và là giải pháp đột phá cho các đô thị Việt Nam tận dụng lợi thế đi sau. Chính vì vậy, thúc đẩy phát triển kinh tế đêm cần được xem là hướng phát triển ở cấp độ quốc gia, là phương thức cạnh tranh quốc tế, không phải là phương thức sinh tồn mới hay “cơi nới” thêm nền kinh tế ban ngày, càng không phải dành riêng cho một địa phương nào.
Hiện là thời điểm để tranh thủ sự đồng thuận, sự đột phá của chính sách nhằm phát triển kinh tế ban đêm, nhưng cần tính trong dài hạn. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế đêm. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, kêu gọi xã hội hoá, trong đó chính quyền địa phương phải là người “cầm cái” cho cuộc chơi này.
Phát triển kinh tế đêm là tất yếu, nhưng cũng cần những bước đi thận trọng; phải có nghiên cứu, đánh giá thực trạng, có thí điểm và lộ trình thực hiện; phải rất thận trọng và cố gắng hạn chế tối đa những mặt tiêu cực. Theo đó, việc duy trì, tuyệt đối đảm bảo an ninh trật tự là “chìa khóa” tạo nên khu vực kinh tế đêm sôi động, hấp dẫn du khách, để dòng tiền luôn chảy và nền kinh tế không “ngủ đêm”.