Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương trả lời những vướng mắc của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương trả lời những vướng mắc của doanh nghiệp

Để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững

(ĐTCK) “Mở những nút thắt để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững” là chủ đề Hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế (IDE) vừa tổ chức. Nhiều vấn đề tồn tại cần phải tháo gỡ của nền kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đã được đưa ra thảo luận nhằm tìm kiếm những giải pháp cho chủ đề tưởng như còn mông lung, nhưng lại rất thiết thực với cuộc sống.

Cạnh tranh phải lành mạnh và hài hòa hơn

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương nói về những điểm mới tại dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi và cho biết, dự Luật dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2018.

Theo ông Tân, Luật Cạnh tranh 2004 đã bao quát tốt dưới góc độ tiếp cận đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, trong đó trọng tậm phát huy toàn bộ nguồn lực, trí tuệ của doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực thi đã phát sinh nhiều bất cập, chủ yếu do Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, đã đặt ra những thách thức tạo ra những chuẩn mực chung cơ bản cho một môi trường cạnh tranh lành mạnh và hài hòa ở cả tầm quốc tế.

Điểm mới đáng chú ý tại dự Luật này là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như lạm dụng vị thế độc quyền, thoả thuận tập trung kinh tế để tạo cơ hội cá lớn nuốt cá bé. Đối với vấn đề cạnh tranh trong nước, Bộ Công thương cho biết, hiện nay, việc kiểm soát cạnh tranh chỉ mới đang dừng ở cách “kiểm soát  theo chiều ngang”, tức là kiểm soát giữa các doanh nghiệp có cùng chung một môi trường kinh doanh, cùng chung lợi ích.

Trong lần sửa đổi năm 2018, dự Luật sẽ thêm vào hoạt động điều chỉnh theo chiều dọc, giữa các hệ thống, các chuỗi sản xuất liên kết với nhau. Với cách tư duy mới, Bộ Công thương hy vọng sẽ nâng cao khả năng kiểm soát các hành vi can thiệp, chỉ đạo, có thể gây ra hiện tượng méo mó, hoặc làm hạn chế môi trường cạnh của các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, tách dần vai trò quản lý nhà nước đối với việc tham gia điều hành doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước.

Gỡ nút thắt cho tăng trưởng

Liên quan đến hành lang pháp lý, vốn cũng được cho là nút thắt lớn cho tăng trưởng kinh tế đất nước, PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tuy GDP cả năm đã vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, nhưng vẫn cần phải giải quyết bài toàn tăng trưởng kinh tế làm sao để bền vững theo 3 khía cạnh khác nhau.

Trước hết là về nguồn cung, bao gồm các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Thứ đến là về sức cầu gồm có tiêu dùng, tiết kiệm đầu tư, kinh tế xuất nhập khẩu. Cuối cùng là các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, lao động, tài nguyên, năng suất lao động…

Đối với nguồn cung, ông Chung cho rằng, cả khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều có nút thắt cơ bản nhất và đang cần tháo gỡ đó là làm sao tăng nhanh năng lực sản xuất. Giải pháp được chờ đợi là cởi bỏ nhiều hơn nữa các rào cản về thủ tục hành chính, về tín dụng, để có nhiều doanh nghiệp mới thành lập hơn nữa, đi đôi với đó là vốn đầu tư cũng sẽ tăng lên.

Đối với cách nhìn về nguồn cầu, điều quan trọng nhất Việt Nam đã đạt được trong năm 2017 vừa qua là đã trở thành một nước xuất siêu, có thặng dư thương mại, qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế, đồng thời kìm hãm được thâm hụt ngân sách chỉ còn ở mức 3,7%. Theo ông Chung, những thành công này cần phải được giữ ổn định hơn nữa trong năm 2018.

Về các yếu tố đầu vào cho sản xuất, ông Chung cho rằng, vốn từ khu vực đầu tư công, đầu tư tư nhân, cũng như đầu tư nước ngoài tăng cao trong năm 2017. Dòng vốn này cần tiếp tục được giữ vững, thậm chí còn phải khuyến khích tăng trưởng nhiều hơn.

Về lao động và năng suất lao động thì Việt Nam rất cần cải thiện mới mong tránh nguy cơ tụt hậu quá xa. Theo thống kê, năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan…

Với lợi thế “dân số vàng”, cơ hội cho Việt Nam thay đổi hiện trạng tụt hậu là có. Tuy nhiên, để có hy vọng đuổi kịp các nước trong khu vực, các chuyên gia tính toán, kinh tế nước ta phải đạt mức tăng trưởng khoảng 8 – 10%/năm, tương ứng năng suất lao động Việt Nam phải tăng khoảng 7%/năm so với trung bình 4%/năm như hiện nay. Lý do là lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày một mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Nông nghiệp công nghệ cao: Vẫn cảnh “trên nóng, dưới lạnh”

Liên quan đến câu chuyện nông nghiệp công nghệ cao, đánh giá chung của các chuyên gia cho rằng, trong khi các bộ, ngành đều sốt sắng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng các dự án nông nghiệp công nghệ cao, thì khi xuống đến địa phương, tình trạng quan liêu, cứng nhắc, trì trệ đã khiến không ít doanh nghiệp nản lòng. Rào cản về thủ tục hành chính cấp phép đầu tư được nhiều người ví von như tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Ngoài thủ tục, vốn vay cũng là một nút thắt cần tháo gỡ cho các doanh nhân đang khát khao “gieo mầm” nông nghiệp công nghệ cao. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), có tới 70,1% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, thậm chí hơn 49% doanh nghiệp không thể tiếp cận vay vốn. Nguyên nhân chính là do khâu thế chấp tài sản, đất thường là đất đi thuê, gần như không thể cầm cố.

Trong đánh giá của mình, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ngành nông nghiệp còn rất lạc hậu, thiếu tính kinh tế thị trường khi hàng loạt các cuộc “giải cứu" nông sản, gia súc đã và sẽ được thực hiện nhằm giải quyết những khó khăn chung của ngành. Theo ông Kiên, việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp phải được coi trọng hơn bao giờ hết, khi hiện nay, ngành nông nghiệp đang chịu sự phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố thiên nhiên.

Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đều đang tồn tại những vấn đề cần xử lý, để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững rất cần một cơ quan trụ cột, nắm bắt và xử lý bài toán tổng thể. Nói như bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch Sở GDCK Hà Nội thì phát triển xanh và bền vững là câu chuyện được nhiều bộ, ngành quan tâm, nhưng nếu thiếu cơ quan trụ cột, hiểu và xử lý bài toán tổng thể thì khó có kết quả trên bình diện chung của cả nền kinh tế.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến mục tiêu cụ thể 2020 và tầm nhìn 2050. Theo đó, mục tiêu xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững đã được định hướng. Theo nhiều ý kiến, câu chuyện đáng bàn không chỉ là tìm giải pháp cho tương lai, mà cần đánh giá lại 5 năm qua, chúng ta đã làm được gì trong Chiến lược quốc gia này.    

Tin bài liên quan