Vẫn những chiêu trò cũ
Thông tin huyện sắp lên quận, quận lên thành phố, hay có quy hoạch, dự án đầu tư lớn… luôn được các cò đất loan báo để thổi giá đất nền - một thực tế xuất hiện vài năm trở lại đây ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Tại TP.HCM, thông tin về đề án chuyển 5 huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ lên quận hoặc thành phố mà Sở Nội vụ đang hoàn thiện để trình HĐND Thành phố thông qua giữa năm nay, đang bị cò đất lợi dụng để rao bán các dự án đất nền vướng pháp lý, cũng như đẩy giá đất ở, đất nông nghiệp.
Tin Củ Chi lên thành phố đã thổi hơi nóng vào giá đất nền khu vực này. Giá những lô đất khoảng 80 - 100 m2 ở Củ Chi từ mức vài trăm triệu đồng cách đây 2 năm, đã bật cóc lên 1,5 hay thậm chí hơn 2 tỷ đồng. Cá biệt, có những lô góc 2 mặt tiền rộng khoảng 81 m2 tại Dự án Bình Mỹ Riverside (xã Bình Mỹ, Củ Chi) đang được rao bán trên trang batdongsan.com.vn với giá gần 2,2 tỷ đồng, tương đương 27 triệu đồng/m2.
Tại cuộc tiếp xúc với cử tri huyện Nhà Bè và quận 7 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vào ngày 14/5 vừa qua, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã phải yêu cầu địa phương không để xảy ra tình trạng huyện chưa lên quận đã sốt đất, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, thu hồi và triển khai dự án sau này.
Còn ở Hà Nội, cũng khoảng thời gian này năm ngoái, tin tức về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng bị các cò đất lợi dụng để thổi bùng giá đất. Tại trung tâm xã Hải Bối (huyện Đông Anh), khu vực giáp với đại dự án thành phố thông minh Đông Anh, giá nhiều mảnh đất với ngõ vào chỉ rộng 2,5 - 3 m đã “nhảy múa” lên 38 - 45 triệu đồng/m2.
Cẩn trọng khi xuống tiền
Đưa ra lời khuyên với giới đầu tư, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên thường vụ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) phụ trách Đông Nam bộ, Chủ tịch King Broker Group, đã lấy ví dụ các cơn sốt đất gần đây ở Cam Lâm (Khánh Hòa) và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để phân tích, đối chiếu và nhận diện sốt đất có căn cứ hay sốt ảo.
Ông Tuấn Anh cho rằng, qua vài đợt sốt đất ở Cam Lâm trong vòng 3 - 4 năm trở lại đây, có thể thấy đất nền Cam Lâm hội tụ cả “tính hiện hữu” và “tính tiềm năng” rất tốt, khác biệt hẳn so với các thị trường khác.
“Tính hiện hữu của đất nền Cam Lâm thể hiện rõ qua việc nơi đây là ‘thủ phủ’ resort, với hơn chục resort quốc tế đang vận hành và vài chục resort đang xây dựng. Đặc biệt, khu vực này có lợi thế bãi biển đẹp (Bãi Dài) và tương lai sẽ trở thành một trung tâm du lịch mới, đẳng cấp của Khánh Hòa, thu hút khách từ Nha Trang về Bãi Dài. Cho nên, triển vọng của thị trường Cam Lâm là rất rõ ràng”, ông Tuấn Anh nhận xét.
Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp cho biết, họ đã mua đất Cam Lâm với giá chênh 100 - 200% so với 2 năm trước, nhưng vẫn chấp nhận, bởi họ đặt kỳ vọng kiếm lời khi giá bán tăng lên 2 - 3 lần trong vòng vài năm tới, đại diện King Broker Group lý giải.
Trái lại, với thị trường Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đất nền nơi đây lại ghi nhận những cơn sốt ảo sau khi xuất hiện thông tin Vingroup đầu tư dự án sản xuất pin xe điện.
“Một dự án công nghệ cao như vậy thì thường chỉ mang dư địa tăng trưởng cho thị trường việc làm và phát triển kinh tế ở địa phương, khó có thể thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của toàn tỉnh”, ông Tuấn Anh lập luận.
Chuyên gia này cho rằng, những cơn sốt đất ở Kỳ Anh vừa qua có bàn tay đạo diễn từ những nhà đầu tư cá mập và những nhà đầu tư lướt sóng kiếm lời, còn những “tay mơ” bám đuôi sóng sẽ là những người lãnh hậu quả của sốt đất ảo.