Nhu cầu và cơ hội đầu tư lớn
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó dành ưu tiên cao cho việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.
Tính toán của Bộ Công thương cho thấy, Việt Nam ước tính sẽ thiếu điện khoảng 6,6 tỷ kWh năm 2021, 11.8 tỷ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm vào là 15 tỷ kWh vào năm 2023.
Để bù đắp sản lượng thiếu hụt khổng lồ này, theo ước tính của Chính phủ, sẽ cần khoảng 130 tỷ USD đầu tư năng lượng mới cho đến năm 2030, tương đương mức đầu tư trung bình 12 tỷ USD/năm, trong đó, khoảng 9 tỷ USD dành cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư lưới điện.
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, từ nay đến 2025, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 50.000 MW công suất điện nguồn, tương ứng với số vốn đầu tư xấp xỉ 7 - 10 tỷ USD mỗi năm.
Thực trạng này cho thấy nhu cầu đầu tư về điện là hết sức cấp thiết và đầu tư vào ngành điện tiếp tục là lĩnh vực đầy tiềm năng. Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhiệt điện than, nhiệt điện khí và xây lắp điện trong thời gian tới.
Thực tế công tác phát triển năng lượng thời gian qua cho thấy, nếu có sự góp sức của các thành phần kinh tế khác ngoài doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân, Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn hơn nhiều so với kỳ vọng.
Đơn cử, Trung Nam đầu tư nhà máy điện 450 MW kết hợp với trạm 500 kV, dự kiến tháng 8 - 9/2020 sẽ đóng điện 100%.
Bamboo Capital (BCG), một doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đã khánh thành nhà máy điện mặt trời BCG-CME Long An 1 công suất 40,6 MW vào năm 2019; nhà máy BCG-CME Long An 2 100,5 MW đã hoàn thiện thi công, đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng để phát điện.
Gần đây, BCG Energycũng ký kết hàng loạt các dự án năng lượng mặt trời áp mái với tổng công suất của danh mục dự án lên đến gần 100 MW, dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2020.
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng ngành điện năm 2020 và giai đoạn 2020 - 2025, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây lắp điện 1 (PC1) cho rằng, tác động đối với tăng trưởng kinh tế bởi dịch Covid-19 có khả năng dẫn tới suy giảm nhu cầu tăng phụ tải điện năng năm 2020, ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư nguồn điện, khiến tiến độ hoàn thành và khởi công các nhà máy nhiệt điện mới chậm lại và có nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, năm 2020 và 2021 là giai đoạn thuận lợi và có nhiều cơ hội cho đầu tư điện mặt trời và điện gió.
“Về trung hạn và dài hạn, nhu cầu phụ tải điện tăng và tiếp tục duy trì trong dài hạn, đầu tư dự án nguồn điện vẫn có sức hấp dẫn cao”, ông Tuấn nhìn nhận.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam cũng đánh giá, các nhà đầu tư tư nhân bước đầu mới chỉ tham gia vào phạm vi hẹp, nhưng Nghị quyết 55 đã giải quyết hai vấn đề lớn mà tư nhân quan tâm.
Thứ nhất, tất cả những thành phần kinh tế đều có thể tham gia vào việc phát triển và truyền tải nguồn năng lượng. Thứ hai, Nghị quyết đã tháo bỏ tất cả rào cản và xóa bỏ độc quyền, để tư nhân tham gia vào lĩnh vực truyền tải.
Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Dù đã trở thành một làn sóng đầu tư vào năng lượng, song vẫn có quá nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận xét: "Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ. Thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện. Độc quyền nhà nước còn cao. Chính sách giá năng lượng còn nhiều bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường".
Quan điểm này được ông Tiến làm rõ thêm: "Phát triển nguồn và truyền tải cần phải đồng bộ. Làm đường dây 500 kV, tư nhân như chúng tôi làm chỉ mất 6-8 tháng, EVN làm phải 4 năm. Không phải EVN không thể làm bởi nền tảng kỹ thuật của EVN lớn hơn chúng tôi rất nhiều, nhưng họ làm đầy đủ quy trình theo yêu cầu đối với doanh nghiệp nhà nước mất rất nhiều thời gian".
Ông Tiến lấy ví dụ: “Chúng tôi có thể đền bù giải phóng mặt bằng nhà máy 700 ha với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong vòng 4 - 5 ngày”. Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Đảng ra Nghị quyết 55 như cho doanh nghiệp đòn bẩy, nhưng vấn đề là điểm tựa ở đâu? Là hành lang pháp lý, là việc các bộ ngành tham gia vào. Nếu như có đòn bẩy, mở toang cửa nhưng doanh nghiệp đi vào không biết lối, sẽ luẩn quẩn trong đó. Không thể bẩy lên được nếu như không có điểm tựa”.
Phát triển nguồn và truyền tải cần phải đồng bộ. Làm đường dây 500 kV, tư nhân như chúng tôi làm chỉ mất 6-8 tháng, EVN làm phải 4 năm
- Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam
Đây có lẽ là nguyên nhân dẫn tới thực trạng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn là nhiều dự án chậm tiến độ, nhất là những dự án nguồn điện, nguồn nhiệt. Các dự án nguồn nhiệt than vẫn còn gặp nhiều khó khăn do những quan ngại về vấn đề môi trường, thiếu vốn, ngay cả những dự án đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn trong việc tự chủ vốn.
Đề cập đến câu chuyện vốn, từ kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo Capital chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, năng lượng là ngành đòi hỏi năng lực tài chính rất lớn. Chẳng hạn như với 2 dự án tại Long An của Bamboo Capital, kể từ lúc khởi công, thi công đến đóng điện chỉ có thời gian 8 tháng nhưng giải ngân tới 2.200 tỷ đồng.
Hoặc dự án Phù Mỹ, Bình Định đòi hỏi từ khởi công đến đóng điện phải giải ngân hơn 6.000 tỷ đồng. Như vậy, việc cân đối để huy động cấp tập lượng vốn cho các dự án năng lượng là bài toán không dễ giải đối với các doanh nghiệp điện trong điều kiện hạn chế tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý hiện nay.
Do đó, theo ông Nam, nếu không giải quyết được nút thắt này, với đặc thù đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, nhiều doanh nghiệp sẽ phải chuyển nhượng giấy phép đầu tư các dự án.
Đây cũng là vấn đề được quỹ đầu tư Dragon Capital, nhà đầu tư có thâm niên trong lĩnh vực năng lượng đề cập trong các diễn đàn năng lượng gần đây.
Theo đại diện quỹ, các tồn tại về cơ chế vay vốn, quy trình thủ tục phê duyệt dự án phức tạp và rủi ro trong chính sách giá mua điện đang là những rào cản đối với các nhà đầu tư.
Theo khuyến nghị của Dragon Capital, Chính phủ cần cải thiện các vấn đề nền tảng, bao gồm hợp đồng mua bán điện, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong vấn đề về truyền tải, về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và giải quyết tranh chấp, sẽ giúp nhà đầu tư tiếp cận được dòng vốn vay nước ngoài với chi phí thấp hơn từ các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.
Hiện mức lãi suất vay nước ngoài thấp hơn vay trong nước 4 - 5%, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, từ đó tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Giải bài toán nguồn vốn cũng là vấn đề mà ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch PCC1 cho rằng cần phải đặc biệt quan tâm.
Doanh nghiệp sẽ tập trung dòng tiền và cân đối thu xếp vốn đề phát triển các dự án điện gió với tổng công suất 400 MW, dự kiến khởi công và đầu tư từ năm 2022 - 2025 theo phương thức sử dụng 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay; tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư và kiểm soát tốt tiến độ, chất lượng 3 dự án điện gió Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên, dự kiến phát điện lần lượt vào tháng 8, 9/2021.
Đầu tư cổ phiếu điện còn nhiều e ngại
Trong các kênh huy động vốn, TTCK đang trở thành địa chỉ để nhiều doanh nghiệp xem xét tận dụng, bao gồm cả việc phát hành trái phiếu như Trung Nam và tăng vốn điều lệ như BCG... Muốn vậy, cổ phiếu của doanh nghiệp điện cần thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Gần đây, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp ngành năng lượng như nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió,… đang có xu hướng tích cực tuy nhiên chưa tạo sóng lớn trên thị trường bởi nhà đầu tư còn nhiềue ngại.
Đơn cử, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/7/2020 tại mức giá 7.300 đồng/cổ phiếu, dù vừa trải qua một vài phiên điều chỉnh giảm, thị giá cổ phiếu BCG của CTCP Bamboo Capital vẫn ghi nhận mức tăng lên đến 75% chỉ trong vòng hơn 3 tháng qua.
Tương tự là cổ phiếu NT2 của CTCP Nhiệt điện dầu khí Nhơn Trạch khi thị giá cũng tăng 42,8% so với thời điểm đầu quý II/2020. Thị giá cổ phiếu HND của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng cũng tăng gần 43%. Giao dịch của các cổ phiếu trên thị trường khá sôi động.
Ưu điểm của nhóm doanh nghiệp này là có dòng tiền kinh doanh dồi dào và lớn hơn lợi nhuận (do chi phí khấu hao) giúp tạo ra khả năng giảm nợ hàng năm, giảm dần lãi vay, cải thiện lợi nhuận.
Hoạt động trong nhóm ngành thiết yếu, phần lớn sản lượng tiêu thụ được đảm bảo bởi các hợp đồng mua bán điện dài hạn trong khi rủi ro biến động giá nguyên vật liệu đầu vào được chuyển vào giá bán điện, doanh nghiệp điện có lợi thế đảm bảo lợi nhuận, rủi ro kinh doanh thấp, rủi ro thanh toán hầu như không đáng kể…
Tuy vậy, việc đầu tư vào những doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa thực sự hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, bởi hoạt động kinh doanh khó đột biến, khó tăng trưởng công suất nếu không có dự án đầu tư lớn mới, giá bán chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, nhiều cổ phiếu có thanh khoản thấp do cơ cấu cổ đông cô đặc,
Chẳng hạn, nhóm thủy điện như Thủy điện Thác Mơ (TMP) Thủy điện Cần Đơn (SJD), Thủy điện Thác Bà (TBC), Thủy điện Miền Nam (SHP),… có hoạt động kinh doanh phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết dẫn đến khác biệt rất lớn giữa các quý mùa mưa hoặc mùa khô trong năm hay chu kỳ thời tiết El Nino/ La Nina trong dài hạn, hiệu qủa kinh doanh có sự phân hóa rất mạnh theo vùng miền địa lý do ảnh hưởng bởi lượng mưa.
Trong khi đó, với nhóm nhiệt điện như Nhơn Trạch (NT2), Phả Lại (PPC, Nhiệt điện Hải Phòng (HND),… lợi nhuận giữa các kỳ có thể biến động lớn phụ thuộc vào biến động giá nhiên liệu nhà máy sử dụng (than, khí) hay biến động tỷ giá đồng tiền vay đầu tư nhà máy cũng hàm chứa nhiều yếu tố ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Công nghệ khác biệt dẫn tới chi phí đầu tư khác nhau cũng khiến biên lợi nhuận và hiệu suất sinh lời trên vốn có khác biệt đáng kể.
Đối với những doanh nghiệp đang đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo mới được ưu đãi như BCG, Licogi 14 (L14), triển vọng chủ yếu vẫn nằm ở tương lai khi nhu cầu dòng tiền đầu tư lớn, vay nợ cao và hạn chế về khả năng chi trả cổ tức tiền mặt.
Ví dụ, việc tập trung đầu tư vào lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn khiến dòng tiền của BCG thiếu hụt và dư nợ vay ngắn và dài hạn đang có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Nợ vay ngắn, dài hạn và trái phiếu đến cuối quý I/2020 đạt 3.121 tỷ đồng, các khoản phải trả (không bao gồm nợ vay) cũng có xu hướng gia tăng.
Hay tại CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group), doanh nghiệp vừa nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong tháng 7/2020, chi phí lãi vay lớn đang bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.
Kết thúc năm 2019, báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt cho biết, Trường Thành đạt 269,4 tỷ đồng doanh thu, tương đương với thực hiện năm 2018, tuy nhiên các chi phí có xu hướng gia tăng khiến lợi nhuận sau thuế thu về chỉ 75,4 tỷ đồng, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) chỉ đạt 600 đồng.
Dư nợ vay ròng của Trường Thành Group trong năm 2019 đã tăng thêm 795 tỷ đồng (năm 2018, con số này là 494 tỷ đồng). Tổng nợ vay ngắn và dài hạn đến cuối năm 2019 đạt 2.272,2 tỷ đồng, chiếm 58% nguồn vốn. Điều này khiến lãi vay đang là chi phí đáng kể, lên đến 99,5 tỷ đồng trong năm 2019, tương đương hơn 50% lợi nhuận gộp.
Tỷ lệ vay nợ cao trong cơ cấu vốn một mặt sẽ khiến Công ty bị hạn chế về khả năng trả cổ tức bằng tiền trong những năm tới, sau khi niêm yết, mặt khác cũng khiến lợi nhuận của Công ty có độ nhạy lớn với biến động của lãi suất trong tương lai.
Doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời gặp khó trong đấu nối lưới điện
Ông Nguyễn Hải Vinh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo BIM (Tập đoàn BIM Group)
Đầu tư dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi đã gặp khó khăn trong việc hạn chế công suất lưới truyền tải. Các dự án đấu nối lưới 110 kV tại Ninh Thuận đã có một năm 2019 rất khó khăn.
Trước thực tế đó, cơ quan quản lý đã vào cuộc, yêu cầu các bên liên quan nỗ lực cải tạo đường dây 110 kV Ninh Phước - Phú Lạc; cải tạo nâng công suất trạm 220 kV Tháp Chàm, trạm 500 kV Vĩnh Tân; đưa vào sử dụng trạm 220 kV Ninh Phước. Kết quả là các dự án điện mặt trời đấu nối lưới 110 kV gần đây đã được phát điện.
Chúng tôi mong muốn, các dự án, công trình mới, dự án nâng cấp, cải tạo công trình cũ sẽ được đưa vào sử dụng trên lưới 110 kV, 220 kV hay thậm chí 500 kV (gồm cả đường dây và trạm), để cải thiện công suất cho các nguồn phát. Dự kiến, hơn 2.000 MW điện mặt trời sẽ được xây dựng đến cuối năm 2020.
Trong quý I/2020, dữ liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp niêm yết cho thấy, thủy điện huy động giảm 30,4%, nhiệt điện tăng 18% và năng lượng tái tạo tăng gấp 28 lần so với cùng kỳ năm 2019. Thủy điện được huy động thấp do lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên toàn quốc ở mức kém, đặc biệt là các hồ ở Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu.
Kết quả kinh doanh quý I phản ánh tỷ lệ thuận với bức tranh trên. Trong 36 doanh nghiệp niêm yết được Công ty Chứng khoán Phú Hưng tổng hợp, có 11 doanh nghiệp báo lỗ trong quý I. Trừ PGV (Tổng công ty Phát điện 3, Genco 3) lỗ do tỷ giá, còn lại là các nhà máy thủy điện báo lỗ vì doanh thu phát điện không thể bù đắp chi phí cố định.
Doanh thu của các nhà máy nhiệt điện tăng trưởng so với cùng kỳ; tuy nhiên, chỉ có 10 doanh nghiệp có tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế. Nhóm nhiệt điện khí gặp khó khăn trong nguồn cung và phải chạy nguyên liệu thay thế. Điều này làm ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp của các công ty.
Kết quả kinh doanh quý II đang được các doanh nghiệp công bố cho thấy, lợi nhuận của doanh nghiệp điện chưa có xu hướng cải thiện do sản lượng tiêu thụ giảm, giá bán bình quân giảm do sự sụt giảm đáng kể trong giá bán trên thị trường cạnh tranh (giá đấu thầu trên thị trường cạnh tranh) do nhu cầu giảm.