Nỗ lực đàm phán thuế
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025 của Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020 - 2025. Tuy vậy, con số này vẫn gây nhiều trăn trở, bởi mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong năm nay là tăng trưởng GDP phải đạt 8% trở lên.
Tại Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 (thời điểm Chính phủ Mỹ vừa công bố chính sách thuế đối ứng gây sốc), Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 diễn ra vào chiều 6/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề. Theo kịch bản Bộ Tài chính mới cập nhật, quý II/2025, tăng trưởng GDP phải đạt khoảng 8,2%, quý III và quý IV lần lượt đạt 8,3% và 8,4% trong bối cảnh rủi ro đan xen, trong đó có rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia - Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, mục tiêu tăng trưởng trên 8% của cả năm là rất thách thức nhưng vẫn có thể đạt được, với kịch bản tích cực nhất là đàm phán thành công với Mỹ về việc giảm thuế đối ứng từ 46% xuống còn 20 - 25% hoặc thấp hơn theo từng ngành hàng cụ thể; đồng thời, các doanh nghiệp, ngành hàng chủ động thích ứng, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có, đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới…
Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với giá trị gần 120 tỷ USD năm 2024, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vì vậy, việc tăng thuế đối ứng có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, rất khó để giữ được mức thuế suất nhập khẩu vào Mỹ thấp như trước đây (trên dưới 10%, tuỳ mặt hàng), do Việt Nam đang là quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ 4 tại Mỹ (chỉ sau Trung Quốc, EU và Mexico), trong bối cảnh chính quyền Mỹ, đặc biệt dưới thời Trump 2.0, có xu hướng sử dụng thuế suất như một công cụ mặc cả trong đàm phán thương mại.
Tuy nhiên, ông Việt kỳ vọng hoạt động đàm phán giữa hai bên có thể đi tới kết quả là thuế suất của hàng hóa Việt Nam vào Mỹ giảm xuống còn khoảng 20 - 25%. Muốn vậy, theo vị chuyên gia, Việt Nam cần bày tỏ thiện chí sẵn sàng minh bạch giải trình, làm rõ các căn cứ áp thuế, lắng nghe quan điểm của Mỹ về giảm hàng rào thuế quan ở Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam cần thể hiện thiện chí và cam kết rõ ràng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp Hoa Kỳ thể hiện thế mạnh của họ khi đầu tư ở Việt Nam, ví dụ giảm thuế cho hàng hoá công nghệ cao và những dịch vụ thế mạnh của Mỹ như dịch vụ tài chính…”, ông Việt nêu quan điểm.
Tận dụng dư địa của những động lực tăng trưởng mới
Bên cạnh các nỗ lực đàm phán thương mại, theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam cần tận dụng tốt hơn dư địa của các động lực tăng trưởng mới như 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, đặc biệt các thị trường lớn, nhiều tiềm năng như thị trường Halal (thị trường của những người theo Đạo Hồi, với quy mô 2,2 tỷ người), châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông… Đồng thời, Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách kích cầu tiêu dùng phù hợp gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP”… và có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các ngành nghề, lĩnh vực và doanh nghiệp bị tác động tiêu cực do chính sách thuế quan của Mỹ.
Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu đã chủ động triển khai các giải pháp nâng cao nội lực, thích ứng với biến động thuế quan. Chẳng hạn, trong ngành dệt may, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT) đã chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó trong ngắn và dài hạn, tập trung vào đàm phán với đối tác xuất khẩu tại Mỹ trên tinh thần chia sẻ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như cung ứng nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất các đơn hàng đã ký trong quý II.
Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam đã phát động Tháng Công nhân năm 2025 (tháng 5) với tinh thần “trực chiến” như thời Covid-19, thúc đẩy khí thế lao động sản xuất, tối đa hóa sản lượng với 90 ngày làm việc thần tốc. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, chiến dịch 90 ngày “thần tốc” này được Vinatex áp dụng trong thời gian chờ đàm phán và trên cơ sở yêu cầu của bạn hàng.
Bên cạnh xuất khẩu, đầu tư công được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Mới đây, Bộ Xây dựng có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị địa phương rà soát tiến độ triển khai các công trình, dự án đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của khu vực; có tính chất tạo liên kết liên vùng, tạo động lực phát triển khu vực… để lựa chọn công trình, dự án đủ điều kiện đăng ký khởi công, khánh thành vào dịp 30/4/2025.
Bộ Xây dựng cũng xác định đưa vào khai thác một loạt dự án hạ tầng trọng điểm như Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; cao tốc Bắc Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, đoạn Bùng - Vạn Ninh, Vân Phong - Nha Trang… Phần lớn những công trình nói trên đều được thi công rút ngắn từ 3 - 6 tháng so với kế hoạch ban đầu. Đây chính là “những việc cần làm ngay” của ngành xây dựng và các địa phương - như tinh thần chỉ đạo mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm - để cùng cả nước đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng liên tục hai con số trong những năm tiếp theo.
Tại tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, khi xây dựng kế hoạch hàng năm, tỉnh đã tính toán phân kỳ nguồn lực phù hợp cho các năm nhưng trong bối cảnh Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Quảng Trị đang phải mang hết “của để dành” của các năm sau ra dùng nhằm dồn lực cho tăng trưởng trên 8% năm nay.
Xác định tiềm năng kinh tế của địa phương chủ yếu dựa vào công nghiệp, Quảng Trị tập trung vào các giải pháp nhằm giảm bớt thủ tục để thúc đẩy giải ngân đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân.
Tại buổi tọa đàm “Thách thức và cơ hội từ biến động thuế quan” do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức ngày 10/4, luật sư Trương Hữu Ngữ, Giám đốc điều hành Vilasia nhận định, doanh nghiệp sẽ có những thay đổi rất nhanh, họ lo lắng song sẽ tìm cách ứng biến. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có sự chuyển đổi lớn theo hướng tăng cường nội lực, đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường.
“Mỹ tạm hoãn thời gian áp thuế đối ứng 90 ngày không phải là một cơn gió lặng trước cơn bão lớn, mà có thể là một khoảng thời gian vàng để chúng ta kịp thích ứng và điều chỉnh”, ông Ngữ nhìn nhận.