Điều này càng có ý nghĩa hơn, khi cách đây hơn một tuần, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Đổi mới giáo dục và đào tạo đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban, nhằm thảo luận một loạt nội dung lớn về đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân, chương trình, sách giáo khoa, phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông.
Đổi mới giáo dục, hay coi giáo dục là quốc sách hàng đầu luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Sau Hội nghị Trung ương 8, Khóa XI vào tháng 10/2013, vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được coi như là một trong những nội dung vừa chiến lược, vừa cấp thiết. Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, Việt Nam đang cần một quyết sách toàn diện, căn bản, xứng tầm với lĩnh vực quan trọng hàng đầu này. Đây là sứ mệnh thiêng liêng, đồng thời cũng vô cùng nặng nề để Việt Nam bước vào hàng ngũ các nước phát triển.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên giáo dục cần và đã luôn được ưu tiên đi trước một bước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Việt Nam cũng đã chi một ngân khoản không nhỏ cho giáo dục, bình quân khoảng 20% ngân sách, thuộc diện lớn nhất thế giới. Riêng năm 2012, con số này lên tới 170.000 tỷ đồng. Nhưng để nhìn lại, thì dù có những thành tựu không nhỏ, song ngành giáo dục - đào tạo hiện phát triển chưa xứng tầm, nếu không muốn nói là còn nhiều bất cập, khiến tình trạng thừa thầy, thiếu nợ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập, đạo đức học đường… vẫn là vấn đề nhức nhối.
Một nền giáo dục kém sẽ không thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao. Và hẳn nhiên, nếu thiếu nhân lực tốt, thì Việt Nam sẽ tụt hậu, không thể phát triển được trong một thế giới đang biến đổi từng ngày, nhất là khi khoa học - công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc.
Vì thế, không chỉ để có một nền giáo dục tốt, với chương trình, sách giáo khoa tối ưu, hay một kỳ thi đánh giá đúng chất lượng học sinh, nhằm khuyến khích cả thầy và trò tham gia dạy tốt, học tốt… trong bối cảnh hiện nay, giáo dục Việt Nam còn cần phải tính đến chuyện hòa nhập với các trường học chất lượng đẳng cấp quốc tế. Con số 1,7 tỷ USD chi cho du học tự túc trong năm 2013, tương đương 1% GDP, rõ ràng rất có ý nghĩa.
Xu hướng xã hội hóa giáo dục đã được đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng đã đầu tư phát triển dự án trường học ở các cấp học khác nhau và nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Đây là xu hướng cần được tiếp tục được đẩy mạnh, để cùng với hệ thống giáo dục - đào tạo công lập, hệ thống này sẽ góp phần quan trọng vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo tại Việt Nam.
Muốn vậy, phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển giáo dục. Cũng cần có cơ chế, chính sách để giáo viên chuyên tâm vào công tác giảng dạy, còn học sinh hứng khởi đến trường. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao sớm xây dựng được một xã hội học tập thực thụ, góp phần quan trọng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Việt Nam phát triển kinh tế tri thức, sánh vai với cường quốc năm châu, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, cũng không thể không nói tới việc phải đẩy mạnh phát triển giáo dục ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Trong bối cảnh ấy, những hoạt động trao học bổng, xây dựng và trao tặng phòng học vi tính cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa, cho trẻ em nghèo học giỏi, mà Cơ quan Báo Đầu tư, thông qua quỹ từ thiện của Giải golf Vì trẻ em Việt Nam, đã và đang thực hiện, thực sự rất có ý nghĩa.