Chật vật phát triển
Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ hướng đến mục tiêu chung là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lượng thực quốc gia; giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho xã hội.
Ngay sau khi Quyết định 567, nhiều công ty đã đâu tư nhà máy phát triển gạch không nung. Đơn cử, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 2011 tới nay đã có tới 5 công ty xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung như Công ty Tân Phước Thịnh, Công ty Thành Trí, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC… Nhưng tới nay, sản phẩm mà các công ty này sản xuất chủ yếu được bán cho khách hàng là… chính mình. Bởi tại nhiều công trình, khi tư vấn xây dựng đưa phần sử dụng gạch không nung vào công trình, thì chủ đầu tư đã gạt bỏ.
Ngay cả việc Bộ Xây dựng ban hành Công văn 09/2012/TT-BXD, Quy định các công trình xây dựng bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung như công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung. Tuy nhiên, tới nay vẫn có những công trình xây dựng có vốn nhà nước không thực hiện Quy định này của Bộ Xây dựng.
Đơn cử như tại công trình xây dựng nhà làm việc kiêm kho của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại đường Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu. Công trình khởi công xây dựng vào tháng 11/2015 và dự kiến hoàn thành năm 2017, tức là thời điểm Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng đã có hiệu lực 5 năm.
Tuy nhiên, Công ty thi công là Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Phú Cường và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tân Phước Thịnh cùng Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng Mai-Archi vẫn đưa ra tư vấn dùng gạch nung cho toàn bộ công trình xây dựng.
Vẫn còn những tồn tại xấu
Đại diện nhiều công ty sản xuất vật liệu xây dựng không nung cho rằng, định hướng thay thế gạch nung là rất hợp lý, nhưng với Chương trình 567 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Theo ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Phương Nam tại tỉnh Bình Dương, nhiều chính sách đưa ra chưa cụ thể, khi áp dụng vào thực tế, địa phương không thực hiện được. Ví dụ, cơ chế ưu đãi chỉ áp dụng với các dự án đầu tư mới còn các dự án đầu tư mở rộng thì không được hưởng.
"Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chương trình, hoặc chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung", ông Thường nói.
Chẳng hạn, tại Bình Thuận là địa phương có sẵn nguồn nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng không nung và đã có nhà đầu tư, tuy vậy UBND tỉnh vẫn xin lùi thời gian thực hiện Thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng.
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, ngay cả phía doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung cũng còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế, nên phần lớn nhập các dây chuyền với công nghệ trung bình. Công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt.
Một số nhà máy do hiểu biết về tính năng sản phẩm chưa đầy đủ, nên công tác bảo quản sản phẩm khi lưu kho và vận chuyển chưa đúng đã gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm lúc đưa vào công trình.
Với những tồn tại trên, nên đã qua 7 năm, gạch không nung chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường như kỳ vọng.
“Bài toán cho gạch không nung phát triển trong thời điểm này ngoài tuyên truyền, xử lý những công trình có vốn nhà nước không tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng phải dùng gạch không nung xây dựng để làm gương, thì các địa phương cũng phải có hướng giúp doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung phát triển, thậm chí hỗ trợ vốn cho các công ty đầu dư dây chuyển sản xuất hiện đại. Có như vậy mới cho ra đời những sản phẩm gạch không nung chất lượng, đảm bảo khi xây dựng công trình không bị lỗi…”, ông Thường nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com