Ông lý giải thế nào về hiện tượng nhiều start-up hoạt động ở thị trường Việt Nam, người sáng tạo là người Việt Nam, nhưng lại quyết định đặt trụ sở, giấy phép kinh doanh ở nước ngoài?
Việc nhiều start-up Việt có xu hướng đăng ký kinh doanh tại nước ngoài, theo tôi, xuất phát từ nhu cầu thu hút vốn ngoại. Hiện số quỹ đầu tư nước ngoài có đại diện thường trực tại thị trường Việt Nam như CyberAgent Ventures còn rất ít.
Thứ hai, thủ tục giải ngân vốn ngoại vào thị trường Việt Nam rất nhiêu khê, thường phải mất từ 6 đến 9 tháng, có khi kéo dài cả năm tuỳ từng lĩnh vực kinh doanh. Doanh nghiệp nhận 50.000 USD đầu tư cũng phải làm thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài như những dự án 50 triệu USD, vì có yếu tố nước ngoài.
Là Singapore hay Việt Nam hay toàn bộ Đông Nam Á và lúc đó thì các công ty vẫn phải chứng minh được mình có đủ 3P và 1C.
Những người sáng lập muốn tránh những thủ tục phiền hà này và để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, họ chọn đăng ký kinh doanh tại một quốc gia khác. Trong trường hợp này, Singapore là một lựa chọn lý tưởng.
Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam chỉ có vài quỹ đầu tư mạo hiểm, do vậy, các start-up phải đi săn quỹ, trong khi ở các nền kinh tế phát triển có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, các quỹ sẽ săn start-up. Cơ hội lớn như vậy, khó trách doanh nghiệp. Ông có cùng quan điểm?
Đúng là số lượng quỹ đầu tư tại Việt Nam quá ít và những quỹ đầu tư thực sự active (hoạt động và có giải ngân) đếm trên đầu ngón tay.
Thị trường khởi nghiệp hiện nay tại Việt Nam chủ yếu sôi động do các nhà đầu tư nhỏ nhảy vào. Lượng nhà đầu tư nhỏ, tầm khu vực Đông Nam Á, đầu tư khoảng 300.000 USD trở lại cho một start-up đang có nhiều, tuy nhiên vẫn thiếu các nhà đầu tư lớn.
Điều này có thể giải thích là, với số tiền nhỏ, nhà đầu tư không thể đầu tư ở các nước lớn, hoặc chỉ đủ lấy được tỷ lệ sở hữu nhỏ trong một công ty, nhưng ở Việt Nam thì với số tiền đó họ có thể nắm quyền kiểm soát hoặc là cổ đông lớn.
Ngược lại, Singapore là trung tâm tài chính của khu vực và của cả châu Á, vì vậy, rất nhiều quỹ đầu tư tập trung về đây. Tuy nhiên, không phải vì bạn đăng ký kinh doanh ở Singapore mà được quỹ đầu tư và tiếp cận, vì cái mà quỹ họ quan tâm chính thị trường mục tiêu của công ty là ở đâu? Là Singapore hay Việt Nam hay toàn bộ Đông Nam Á và lúc đó thì các công ty vẫn phải chứng minh được mình có đủ 3P và 1C. Đó là, potential market - thị trường mục tiêu tiềm năng, people - đội ngũ sáng lập phù hợp, product - sản phẩm tốt được khách hàng đón nhận và có đủ competitive advantage - lợi thế cạnh tranh.
Trong số các dự án mà CyberAgent Ventures đầu tư tại Việt Nam, có dự án nào “khai sinh” tại nước ngoài không?
Hiện tại thì chưa, nhưng trong tương lai gần sẽ có. Nó chỉ đơn giản là về thủ tục giấy tờ làm sao tiện cho việc kinh doanh của doanh nghiệp và thuận tiện cho hoạt động đầu tư mà thôi.
Thế giới bây giờ phẳng, công ty có thể đặt ở Việt Nam cũng như đặt ở Singapore hoặc bất kỳ một nước nào đó. Ví dụ, các công ty của Mỹ nhưng thực ra là họ đăng ký ngoài nước Mỹ rất nhiều, như Google, Uber hay cả những công ty của Trung Quốc như Alibaba...
Việt Nam cần làm gì để ngăn chặn tình trạng được chuyên gia đánh giá là “chảy máu” chất xám, tài chính nói trên, thưa ông?
Về cơ bản, việc làm cấp thiết nhất là đơn giản hoá thủ tục pháp lý và nới lỏng hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2016, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi như Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đã dành một phần lớn nội dung hỗ trợ nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo). Tôi nghĩ đây là tín hiệu tích cực đáng mừng. Còn kết quả, phải chờ thời gian trả lời.
Thị trường Việt Nam mới chỉ dừng ở mức tiềm năng, cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước, cởi trói thủ tục cho cả nhà đầu tư lẫn công ty khởi nghiệp nhằm tạo môi trường thông thoáng, thì hệ sinh thái startup mới phát triển. Khởi nghiệp không thể tự nhiên phát triển lớn lên được, cần có sự hỗ trợ của nhiều bên.
Ông có thể chia sẻ định hướng của CyberAgent Ventures tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới?
CyberAgent Ventures vẫn tiếp tục hỗ trợ và đầu tư các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ như các năm. Chúng tôi vẫn tìm kiếm các công ty tốt hoặc các nhà sáng lập giỏi để hỗ trợ họ xây dựng những sản phẩm, dịch vụ phục vụ hàng triệu người dùng Việt Nam.