Để du lịch Lục Ngạn bốn mùa hút khách

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp du lịch đã hiến kế để du lịch huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang bốn mùa hấp dẫn du khách.

Tiềm năng du lịch bốn mùa

Ngày 14/6, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch và Phát động Chương trình du lịch “Hương sắc mùa hè Lục Ngạn” năm 2022.

Phát biểu đề dẫn Hội nghị, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện Lục Ngạn có tiềm năng vượt trội để phát triển du lịch.

Lục Ngạn được biết đến là một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với diện tích trên 28.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó có nhiều loại trái cây đặc sản như: Vải thiều, nhãn, cam ngọt, cam lòng vàng bưởi ngọt, bưởi da xanh… Vải thiều Lục Ngạn ngon nức tiếng trong và ngoài nước, diện tích trồng vải hiện nay là trên 15.400 ha; đăng ký bảo hộ thương hiệu tại 8 nước, xuất khẩu sang trên 30 nước, trong đó có những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…

“Trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để đón khách du lịch thăm quan, trải nghiệm. Từ tháng 1 – 3 có cam V2 và táo, hoa mận, hoa cam, bưởi và vải; tháng 3 ngắm hoa và trải nghiệm quay mật ong; tháng 5,6,7 có vải; tháng 7,8 có nhãn, tháng 9 – 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối…”, ông Nam chia sẻ và cho biết, mùa thu hoạch, du khách trải nghiệm hái trái tại vườn. Ngoài ra, nhân dân Lục Ngạn còn có kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc trái cây ra quả quanh năm như ổi, thanh long, bưởi da xanh, mít, chuối… Chất lượng trái cây Lục Ngạn ngày càng cao, đậm vị, hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Cùng với đó, vùng đất Lục Ngạn giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hoá phi vật thể như hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn, dân ca Sán Chí… có nhiều di tích được xếp hạng, tiêu biểu phải kể đến di tích quốc gia chùa Am Vãi, đền Hả.

Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa, Lục Ngạn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp như: hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần thơ mộng, yên bình; hồ làng Thu, hồ Bầu Lầy ẩn mình trong các ngôi làng; suối Cặm, suối Đấy, suối Tà Cang hoang sơ, kỳ vĩ…

Ngoài ra, Lục Ngạn có 3 làng nghề truyền thống gồm: làng nghề mỳ Chũ, xã Nam Dương; làng nghề rượu men lá xã Kiên Thành; làng nghề cây cảnh thôn Bồng 1 xã Thanh Hải.

Không những thế, ẩm thực của người dân Lục Ngạn rất đặc sắc, có nhiều món ăn ngon đặc trưng theo mùa, theo vùng với hương vị riêng, là đặc sản nổi tiêng.

Chủ tịch huyện Lục Ngạn cho hay, những lợi thế trên là điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút khách tham quan, trải nghiệm quanh năm, trải rộng tại các địa phương trong toàn huyện.

Khu vực vùng núi cao tập trung tại các xã vùng lòng hồ Cấm Sơn, Phong Minh, Sa Lý; khu vực vùng thấp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, vùng cây ăn quả. Đồng thời kết hợp tham quan các di tích, trải nghiệm văn hoá của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Cũng theo ông Nam, trong hai năm qua, du lịch của Lục Ngạn, Bắc Giang nói riêng, cả nước nói chung đã bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19. Do đó, để khôi phục, phát triển du lịch, từ cuối năm 2021 đến nay, huyện Lục Ngạn luôn quan tâm, có nhiều giải pháp từ công tác tuyên truyền quảng bá, học tập kinh nghiệm, đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch đến huy động và nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân khi tham gia làm du lịch.

Mùa Hè đến cũng là mùa vải thiều chín, Lục Ngạn được đón nhiều thương nhân ở trong và ngoài nước, khách du lịch, người lao động khắp nơi về đây để mua bán, thăm quan, trải nghiệm, tham gia các hoạt động trong vụ thu hoạch vải thiều.

“Để đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, UBND huyện tổ chức phát động Chương trình du lịch “Hương sắc mùa Hè Lục Ngạn” năm 2022 để quảng bá, mời gọi du khách về Lục Ngạn thăm quan, trải nghiệm tại các vườn cây trái, thắng cảnh đẹp, thưởng thức những trái vải thiều đặc sản thơm ngon - Trái cây được xác lập là 1 trong 10 món ăn, đặc sản đạt giá trị kỷ lục Đông Nam Á năm 2018. Đây là một chương trình đặc biệt, theo hướng đi rất mới của Lục Ngạn trong phát triển du lịch”, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nhấn mạnh.

Để du lịch Lục Ngạn “cất cánh”

Phát biểu tại Hội nghị, bà Bùi Thanh Hiền, Phó trưởng phòng Xúc tiến du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội, cho rằng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại Lục Ngạn chỉ đang phát triển nên còn một số hạn chế. Tuy nhiên, so với 10 năm trước đã có sự khác biệt. “Huyện Lục Ngạncần kêu gọi đầu tư để huyện phát triển cơ sở lưu trú, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh; kết hợp các loại hình du lịch, đẩy mạnh dịch vụ vui chơi giải trí để tăng thêm trải nghiệm cho khách du lịch”, bà Hiền nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm giúp du lịch Lục Ngạn “cất cánh”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh Handetour cho rằng khi phát triển du lịch cộng đồng, Bắc Giang cần có cách làm khác biệt. Chẳng hạn các homestay, cơ sở lưu trú không nên xây dựng theo kiến trúc của các đồng bào thiểu số như Dao, Thái, Mường mà các địa phương vùng Đông, Tây Bắc đã làm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, Phó Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô cho rằng, với những tiềm năng được thiên nhiên ban tặng và thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là có nhiều hồ nước đẹp, huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung có thể trở thành trung tâm du lịch mới của Việt Nam, thậm chí tạo được dấu ấn quốc tế nếu được đầu tư bài bản, xứng tầm. Muốn như vậy, bên cạnh việc giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên, môi trường, tỉnh và huyện cần mời gọi các nhà đầu tư tới phát triển các dịch vụ khai thác trên mặt nước như chèo thuyền kaya, bể bơi nổi, hoạt động kinh tế đêm, xây dựng các cơ sở lưu trú ở vị trí thích hợp… để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

“Hiến kế” để du lịch Lục Ngạn bứt phá, Giám đốc Làng Văn hóa Đông Bắc Lê Văn Tiên cho hay, sau hơn 2 tháng mở lại sau đợt Covid-19 lần thứ 4, Làng Văn hóa Đông Bắc đã đón hơn 20.000 lượt du khách, thực khách đến tham quan, chụp ảnh, trong đó 60% khách ở trong huyện. Hiện nay, vấn đề yếu nhất ở Lục Ngạn là nhân sự làm du lịch vừa thiếu, vừa yếu. Đơn cử, đơn vị này cần tuyển hàng chục nhân sự, qua phỏng vấn hàng trăm người, nhưng chỉ tuyển được vài nhân viên nhưng về cơ bản vẫn phải đào tạo lại vì trình độ nghiệp dư, chưa có kinh nghiệm.

“Do đó, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cần mở nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo nhân sự làm du lịch trên địa bàn. Đồng thời, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến từng ngõ xóm, thôn bản để mỗi người nông dân không chỉ làm ra quả vải, trái cam, trái bưởi… mà còn phải là một hướng dẫn viên du lịch thực thụ…”, ông Tiên góp ý.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch còn cho rằng, huyện Lục Ngạn cần có nhiều cơ chế, chính sách để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; liên kết tour, tuyến với các địa phương trong tỉnh và các điểm du lịch ở tỉnh khác;…

Tiếp thu những ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Bí thư huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh cho biết, để phát triển du lịch trong thời gian tới, huyện Lục Ngạn đang tập trung xây dựng, cải tạo đường giao thông huyết mạch, đường liên thôn, liên xã nhằm tạo điều kiện cho các tiểu thương dễ dàng vào huyện mua bán sản vật.

“Chúng tôi cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch, mở các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn về dịch vụ du lịch, tăng số lượng các hợp tác xã du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp làm du lịch tại Lục Ngạn”, ông Oanh nhấn mạnh.

Trước Hội nghị, ngày 13/6, UBND huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Bắc Giang; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du Lịch thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam tổ chức đoàn Famtrip cho hơn 70 đại biểu đại diện cho các đơn vị đầu tư xúc tiến du lịch, lữ hành, các cơ quan thông tấn báo chí tham quan, trải nghiệm tại một số điểm du lịch của huyện như hồ Cấm Sơn, vùng vải sản xuất theo quy trình GolabalGap…

Tin bài liên quan