Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Để doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực sự chỉ qua 1 cửa...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng với phát triển nền kinh tế - xã hội, nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong trong quá trình thực hiện các chính sách…

Sáng nay (2/3) đã diễn ra Hội nghị Đối thoại: “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên” do liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Ủy ban nhân dân của 4 tỉnh, thành phố, cùng sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức.

Chủ trì Hội nghị đối thoại là ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương; ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính; cùng sự tham dự của hơn 150 đại biểu là đại diện là lãnh đạo, cán bộ từ Bộ, sở ngành, cơ quan hải quan, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của 4 tỉnh, thành phố.

100% Cục, Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục thông quan tự động VNACC/VCIS

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cho biết, với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phát huy sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực hỗ trợ, khơi thông hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, kiên quyết đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, năm 2022, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn và đạt được kết quả đáng ghi nhận, nổi bật.

Cụ thể, đến năm 2022, 100% thủ tục hành chính cơ bản được tự động hóa; 100% Cục, Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục thông quan tự động VNACC/VCIS; 99,8% thu thuế bằng phương thức điện tử; 99,6% kim ngạch xuất nhập khẩu (730 tỷ đồng, tăng 9,2%); 99,65% doanh nghiệp tham gia thủ tục thông quan tự động; 99% tờ khai, 91% tổng số dịch vụ công cấp độ 3, 4; Tổng số tờ khai: khoảng 14,5 triệu tờ khai (64,22%, 31,5%, 4,3%).

Về kết quả đo thời gian giải phóng hàng, căn cứ kết quả tính toán sơ bộ các khoản thời gian chính, tổng thời gian từ lúc hàng hoá đến cảng/cửa khẩu đến khi ra khỏi cảng/cửa khẩu năm 2022 là 127 giờ 13 phút 20 giây, giảm gần 7 giờ so với năm 2021.

Thời gian thông quan trung bình của cả hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu cũng giảm. Cụ thể, thời gian thông quan trung bình đối với hàng hoá nhập khẩu năm 2022 là 36 giờ 14 phút 32 giây, giảm gần 19 phút so với năm 2021; thời gian thông quan trung bình đối với hàng hoá xuất khẩu năm 2022 là 2 giờ 43 phút 09 giây, giảm 17 phút so với năm 2021.

Theo ông Cường, những kết quả trên đã thể hiện sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả trong công tác cải cách hiện đại hoá hải quan, tạo thuận lợi thương mại, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Một trong những yếu tố đưa đến tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước năm 2022 đạt 730,28 tỷ USD (tăng 9,2% so với năm 2021), tổng số tờ khai xuất nhập khẩu trên 14,5 triệu tờ, tổng số thu ngân sách đạt 437.351 tỷ đồng (vượt 24,25% so với dự toán và tăng 24,58% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, ông Cường cũng thẳng thắn: “Hội nghị ngày hôm nay, là cơ hội tốt để các doanh nghiệp được thẳng thắn chia sẻ và đối thoại. Tổng cục Hải quan sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn băn khoăn, lo ngại

Bà Lương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương chia sẻ, Nghị định số 52/2013/NĐCP, Nghị định số 85/2021/NĐ- CP và Quyết định 461/QĐ- CP đã tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc, đang và sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong giai đoạn mở cửa thị trường hiện nay. “Tuy vậy, qua theo dõi và nắm bắt phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy vẫn băn khoăn, lo ngại về một số vấn đề”, bà Hương nói.

Cụ thể hơn, bà Hương cho biết, việc kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn chưa nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ (đã khai quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp). Đã nộp thuế qua online, nhưng phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan. Thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản.

Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan. Dịch vụ logistics chưa có chuỗi toàn diện như cảng biển, kho tàng, bến bãi, nên còn phức tạp chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, hàng phải bảo quản lạnh chưa có chỗ chứa ở khu vực cảng. Trên các cửa khẩu sang Trung Quốc thường xảy ra ùn tắc hàng hóa trong khi đó chưa đầu tư xây dựng kho lạnh.

Bà Lương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội nghị

Bà Lương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội nghị

“Chi phí cho lao động tại cảng, giao thông nội địa cao gần gấp đôi so với chi phí cảng biển”, bà Hương nói.

Ông Lê Mạnh Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, thành phố cảng, thành phố công nghiệp hội tụ đủ 5 loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, đường thủy nội địa, là cửa ngõ giao thông quốc tế của cả khu vực miền Bắc, do đó vận tải hàng hóa, hàng hóa xuất nhập khẩu diễn ra rất sôi động bằng đường biển, đường bộ và đường thủy nội địa cho rằng: “Sản phẩm hàng hóa xuất và nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam đi các nước trên thế giới bị tác động nhiều bởi các thủ tục hành chính”.

Một trong những khó khăn bất cập trong thủ tục hành chính về tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới được ông Cương đề cập là việc tạo quỹ đất cho các trung tâm dịch vụ hậu cần logistics được nhiều doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải logicstic quan tâm. Đề nghị nhà nước cần xây dựng quy hoạch tổng thể tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu…

“Hay như thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, vừa qua có một số trường hợp đất đang cho doanh nghiệp thuê kinh doanh kho bãi chưa hết thời hạn lại thay đổi sang quy hoạch đất trồng cây xanh làm cho doanh nghiệp bị phá vỡ dự án, thay đổi hợp đồng đã ký với khách hàng thuê kho chứa hàng xuất nhập khẩu ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh sản xuất”, ông Cương nói.

Một số giải pháp giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm khó khăn

Theo bà Hương, để hoạt động thương mại xuyên biên giới thuận lợi và giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thiểu khó khăn, các bộ ngành thống nhất hướng dẫn quy định để doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực sự chỉ qua 1 cửa, đồng thời rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết FTA; tiếp tục cải cách hành chính để giảm thiểu thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, đặc biệt là những giấy phép điều kiện không thực sự cần thiết.

Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí cho các khóa học, tập huấn, hội thảo về chuyển đổi số, các kiến thức cơ bản chuyên sâu trong quá trình tìm kiếm thị trường và các thủ tục hành chính, các luật định... để thúc đẩy mạnh mẽ quảng bá xuất khẩu hàng hóa; nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý xuất nhập khẩu hải quan, cán bộ chuyên môn để hạn chế tối đa các ách tắc, tiêu cực trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Còn ông Cương nêu quan điểm: “Để đạt được hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính tạo thuận lợi thương mại xuyên quốc gia, chúng tôi cần có sự phối hợp thường xuyên giữa nội tại các doanh nghiệp với các đối tác bạn và với các cơ quan quản lý nhà nước thì mới đạt được kỳ vọng của doanh nghiệp. Trong quá trình vận động chính sách phải có tính kiên trì, phải xuất phát từ thực tế, khoa học khách quan và cần được sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức như Bộ Công Thương, VCCI, Hiệp hội Logicstic, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các sở ngành liên quan".

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, Trưởng Ban Pháp chế phát biểu tại Hội nghị

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, Trưởng Ban Pháp chế phát biểu tại Hội nghị

Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu; khoảng 24% doanh nghiệp phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Trước tình trạng ấy, việc doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào hoạt động đối thoại, góp ý chính sách là rất quan trọng. Điều này sẽ góp phần tạo ra các quy định pháp luật gắn với thực tiễn, giảm các chi phí tuân thủ và từ đó thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp", Lãnh đạo VCCI nói.

Tin bài liên quan