Thế nào là tăng trưởng thực sự và bền vững?
Một doanh nghiệp được xem là tăng trưởng thực sự không chỉ thể hiện trên con số tổng doanh thu thuần gia tăng so với quý trước hay năm trước, mà phải thể hiện trên sự tăng trưởng về doanh thu thuần của từng dòng sản phẩm, dịch vụ kèm theo số lượng tiêu thụ, giá bán chi tiết thuộc những kênh phân phối ở thị trường nội địa hoặc tại thị trường nước ngoài đều tăng trưởng...
Sự tăng trưởng thực sự của doanh nghiệp còn phải thể hiện ở sự tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế, ở các chỉ số tài chính mạnh khỏe cùng những đánh giá tích cực khác về hoạt động quản trị và quản lý tài sản hữu hình, vô hình của doanh nghiệp.
Với một doanh nghiệp tăng trưởng thực sự, doanh thu thuần và lợi nhuận cần tăng trưởng song hành hàng năm, mặc dù tỷ lệ tăng có thể không tương ứng.
Tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ là giả tạo khi doanh nghiệp tăng doanh thu bán hàng chủ yếu do tăng giá bán, trong khi sản lượng tiêu thụ sụt giảm và thị phần bị thu hẹp. Ở một số doanh nghiệp Việt, sự tăng trưởng lại càng giả tạo khi doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ nhờ những khoản thu nhập bất thường như bán tài sản, nhà xưởng, đất đai…
Hôm nay là tương lai của hôm qua và ngày mai là tương lai của hôm nay. Chính vì vậy, doanh thu thuần và hiệu quả kinh doanh thực tế của một số năm liền kề trong quá khứ và dự báo trong một số năm liền kề trong tương lai của doanh nghiệp được xem là bằng chứng của sự tăng trưởng thực sự và việc hoạch định cho sự tăng trưởng thực sự.
Duy trì đà tăng trưởng bền vững, cách nào?
Để doanh nghiệp tăng trưởng đã khó, tăng trưởng thực sự và bền vững lại càng là bài toán khó hơn với lãnh đạo các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế biến động không ngừng như hiện nay. Một ngành kinh doanh từng phát đạt trong quá khứ nhưng hôm nay có thể gặp nhiều thách thức hoặc có nguy cơ biến mất trong tương lai.
Tại Việt Nam, có không ít doanh nghiệp thành danh trên thị trường nhưng nhiều năm nay loay hoay giậm chân tại chỗ vì thấy đã “đụng trần”. Và cũng có không ít doanh nghiệp dù đang tăng trưởng tốt nhưng đã chấp nhận “bán mình” hoặc nuôi toan tính bán đứt cho doanh nghiệp nước ngoài vì e ngại những khó khăn trong tương lai.
Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp Việt duy trì đà tăng trưởng thực sự và lâu bền? Câu trả lời là doanh nghiệp Việt cần luôn nhớ đến và làm bằng được 8 việc dưới đây:
Thứ nhất, đi đúng định hướng, cam kết ban đầu
Kế hoạch hàng năm của một doanh nghiệp thường được xây dựng dựa trên tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược và mục tiêu 3 - 5 năm, tùy theo doanh nghiệp. Nếu những định hướng của doanh nghiệp luôn được cam kết thực hiện đúng, tính khả thi của kế hoạch sẽ rất cao và tác động tích cực đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Hàng năm, hội đồng quản trị và ban điều hành của nhiều doanh nghiệp Việt thở phào nhẹ nhõm khi thấy kế hoạch đạt và tăng trưởng.
Việc này sẽ tốt hơn nếu kế hoạch luôn đạt và doanh nghiệp tăng trưởng liên tục trong 3 - 5 năm sau đó. Và sẽ tốt nhất khi đà tăng trưởng tiếp diễn không dứt. Nói một cách khác, sự cam kết đi đúng định hướng ban đầu đã được tính toán kỹ chính là kim chỉ nam cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Một khi doanh nghiệp, vì những lý do khác nhau, muốn thay đổi định hướng, họ phải có sự chuẩn bị cho sự thay đổi và phải điều chỉnh kế hoạch đi theo sự thay đổi này. Bản thân kế hoạch hàng năm, dù có hay không có sự điều chỉnh, đều phải luôn được thực hiện dưới sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ của ban kiểm soát, hội đồng quản trị và ban điều hành nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của sự tăng trưởng.
Thứ hai, bảo đảm có hệ thống quản lý khoa học, hiệu quả và chuyên nghiệp
Một hệ thống quản lý khoa học, hiệu quả và chuyên nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện rõ và nhanh chóng những vấn đề cụ thể liên quan đến doanh thu thuần (chi tiết nguồn thu từ nội địa và xuất khẩu, từ dòng sản phẩm, dịch vụ, số lượng tiêu thụ với giá bán, kênh bán hàng…), lãi gộp (chi tiết lãi gộp của từng sản phẩm, dịch vụ), chi phí (chi tiết từng loại chi phí), lợi nhuận, nguồn vốn, tài sản, tồn kho, dòng tiền, công nợ…, để từ đó có thể thấy được doanh nghiệp có thực sự tăng trưởng hay không và nếu có thì sự tăng trưởng xuất phát từ đâu.
Việc áp dụng hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) tại một số doanh nghiệp Việt trong thời gian qua là một minh chứng cụ thể về việc giúp nâng cao hiệu quả quản lý trong doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh sự tăng trưởng.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ tâm huyết, có năng lực bứt phá và gìn giữ thành quả
Tạo ra sự tăng trưởng đã khó, gìn giữ và tiếp tục tăng trưởng lại càng khó hơn. Để làm được việc này, doanh nghiệp cần xây dựng và phát triển cả đội ngũ khai phá thị trường lẫn chăm sóc khách hàng và bảo vệ thị phần.
Đã có không ít doanh nghiệp Việt thành công khi tạo nên một danh sách khách hàng đáng kể nhờ vào sản phẩm, dịch vụ rất tốt kèm theo giá bán và chính sách bán hàng tuyệt vời. Tuy nhiên, chỉ vì một số nhân viên không biết chăm sóc khách hàng mà số lượng khách hàng bỏ doanh nghiệp quay sang đối thủ ngày càng tăng kéo theo doanh thu bán hàng sụt giảm đến báo động.
Bên cạnh việc cần có đội ngũ tâm huyết, có năng lực bứt phá và gìn giữ thành quả, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến hiệu quả sử dụng lao động, yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bài toán tăng nhân sự để giúp tăng nhanh doanh thu nhưng dẫn đến tăng chi phí, giảm lợi nhuận và bài toán tận dụng đội ngũ nhân sự đang có, chấp nhận tăng chi phí lương trong một chừng mực cho phép và doanh thu vẫn tăng ở một mức độ nhất định cần có lời giải căn cơ từ doanh nghiệp Việt khi muốn tăng trưởng thực sự và lâu bền.
Thứ tư, luôn suy nghĩ về sản phẩm, dịch vụ mới
Sản phẩm, dịch vụ, giá bán và số lượng tiêu thụ vốn là những yếu tố chính tạo nên doanh thu cho doanh nghiệp. Trong những dòng sản phẩm, dịch vụ này, luôn có những sản phẩm, dịch vụ chủ lực, thường được gọi là hàng dẫn và những sản phẩm, dịch vụ thứ yếu, thường gọi là hàng ăn theo.
Hàng dẫn bán được càng nhiều, những sản phẩm, dịch vụ đi kèm càng có cơ hội ăn theo. Hàng dẫn và hàng ăn theo luôn mới, luôn hay sẽ là điểm mấu chốt tạo nên sự thu hút đối với người tiêu dùng và giúp tăng doanh thu. Và để có những sản phẩm, dịch vụ như vậy, doanh nghiệp Việt cần có hoạt động cải tiến sản phẩm, dịch vụ hiện hữu và nghiên cứu tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới mỗi năm.
Điều này được hiểu rằng ngân sách đầu tư hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ (R&D) cần được doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng để giúp tạo nên sự tăng trưởng lâu bền.
Luôn cải tiến sản phẩm, dịch vụ, tạo ra sản phẩm mới là một trong những yếu tố đảm bảo sự tăng trưởng lâu bền của doanh nghiệp
Ngoài việc phải luôn suy nghĩ để cải tiến sản phẩm, dịch vụ đang có và tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, doanh nghiệp đơn ngành có thể nghĩ đến việc phát triển đa ngành để giúp doanh nghiệp tăng trưởng thêm về lâu về dài. Tuy nhiên, cần hết sức cẩn trọng trước những thay đổi mang tính chiến lược trọng yếu này.
Thứ năm, sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị mới, hiện đại
Để giúp cải tiến sản phẩm, dịch vụ hiện hữu và tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, không chỉ có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) là đủ. Những dây chuyền công nghệ tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại, phần mềm công nghệ thông tin áp dụng các tiến bộ trong khoa học kỹ thuật… sẽ là những công cụ hữu hiệu giúp việc cải tiến cái cũ và hình thành cái mới cho dòng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Đã có những doanh nghiệp Việt, trong thời gian gần đây, biết tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin và Internet để tạo nên sự tăng trưởng ấn tượng không chỉ trong hiện tại mà còn tạo tiền đề cho những giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp trong tương lai.
Thứ sáu, luôn tìm kiếm kênh phân phối mới
Trong khoảng 10 năm gần đây, trên thị trường Việt Nam, ngoài những kênh bán hàng quen thuộc như điểm sỉ, lẻ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại và kênh B2B, đã xuất hiện không ít chuỗi cửa hàng bán lẻ và kênh bán hàng qua mạng. Đây chính là những kênh phân phối tiềm năng có thể giúp các doanh nghiệp Việt tăng trưởng doanh thu hiệu quả trên cơ sở lâu dài.
Ở thị trường quốc tế, thay vì dừng lại việc xuất hàng bán cho nhà phân phối, một số doanh nghiệp Việt đã cùng nhà phân phối nước ngoài tổ chức mạng lưới bán hàng ngay tại thị trường của họ. Việc khai thác các kênh phân phối ở những thị trường như vậy sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng đáng kể trong nhiều năm tới.
Bên cạnh việc tăng trưởng doanh nghiệp thông qua hoạt động bán hàng gián tiếp và trực tiếp ở những kênh phân phối mới, doanh nghiệp Việt cũng có thể hợp tác hoặc mua lại những doanh nghiệp khác trong nước đang sở hữu các kênh phân phối tiềm năng nhằm thúc đầy sự tăng trưởng lâu bền.
Thứ bảy, luôn khai phá thị trường mới
Nếu cho rằng sản phẩm, dịch vụ, giá bán và số lượng tiêu thụ là những yếu tố chính tạo nên sự tăng trưởng của doanh nghiệp thì kênh phân phối và thị trường chính là đôi cánh đưa sự tăng trưởng của doanh nghiệp bay lên những độ cao mới.
Khái niệm tăng trưởng “đụng trần” thường xảy ra trong suy nghĩ của những doanh nghiệp Việt đã từng phát triển thành công hoặc rất thành công tại thị trường nội địa, nhưng chưa biết làm cách nào để doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng.
Ông Võ Văn Thành Nghĩa là người sáng lập và là Chủ tịch Công ty VAL Making, một doanh nghiệp chuyên về hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn doanh nghiệp. Trước đó, ông đảm nhiệm vị trí CEO của Tập đoàn văn phòng phẩm Thiên Long trong thời gian dài và ghi dấu ấn đậm nét tại doanh nghiệp này.
Mới đây, ông Nghĩa ra mắt cuốn sách “Khi bạn là CEO – 100 câu hỏi tiêu biểu”, chia sẻ những kinh nghiệm ở vị trí CEO.
Và suy nghĩ này sẽ tan biến một khi họ hướng đến và tập trung sự tăng trưởng của doanh nghiệp ở thị trường nước ngoài. Sẽ không ngoa khi nói rằng thị trường quốc tế chính là nền tảng tăng trưởng lâu bền cho các doanh nghiệp Việt khi họ đã cảm thấy “đụng trần” với thị trường trong nước.
Chắc chắn sẽ không dễ, thậm chí rất khó đối với những doanh nghiệp Việt chưa từng xuất khẩu trong việc đi khai phá thị trường mới bên ngoài biên giới. Tuy nhiên, họ sẽ phải nghĩ đến việc tạo nên sự tăng trưởng mới từ thị trường nước ngoài vì dường như đó là quy luật khi đa số những tập đoàn lớn trên thế giới đều khởi sự kinh doanh trước tiên ngay tại chính bản quốc và sau đó phát triển dần hệ thống phân phối trên thế giới. Sự tồn tại hàng trăm năm qua của những tập đoàn này đã minh chứng cho sự tăng trưởng bền vững nhờ vào định hướng mở rộng thị trường quốc tế.
Việc một số doanh nghiệp Việt hiện nay quyết định đầu tư vào và mua lại sau đó các doanh nghiệp đang làm nhà phân phối cho mình ở nước ngoài là một trong những hướng đi tích cực cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp ở thị trường nước ngoài trong thời gian tới.
Trong khi doanh nghiệp nội địa cần hướng đến thị trường quốc tế để giúp tiếp tục tăng trưởng thì doanh nghiệp vốn đã có thị trường xuất khẩu nên làm hai việc song hành: Vừa khai phá tiếp những thị trường mới ở nước ngoài, vừa xây dựng định hướng tập trung vào thị trường nội địa. Thực tế đã có khá nhiều doanh nghiệp Việt từng bước thực hiện đồng thời hai chiến lược này nhằm tạo nên sự tăng trưởng lâu bền sau này.
Thứ tám, luôn giữ hình ảnh tốt đối với cộng đồng, xã hội
Như đã nói ở trên, tăng trưởng của một doanh nghiệp không chỉ thể hiện qua những giá trị hữu hình. Bên cạnh những con số tăng trưởng đọc được, thấy được, những giá trị vô hình của doanh nghiệp như thương hiệu, nhãn hiệu, thanh danh… của doanh nghiệp được khách hàng tín nhiệm, tin dùng và yêu mến là những yếu tố có tác động cực kỳ quan trọng đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong nhiều thập kỷ tới, tương đương với sự ủng hộ của những thế hệ tương lai ra đời trong cùng một gia đình của người tiêu dùng hiện tại.
Chính vì tầm quan trọng này, các doanh nghiệp Việt cần phải biết cách luôn giữ hình ảnh tích cực của mình trong suy nghĩ của khách hàng nói riêng và của xã hội nói chung. Ngoài việc tổ chức các chương trình thiện nguyện vì cộng đồng và những hoạt động thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, doanh nghiệp không được để thanh danh bị vấy bẩn bởi những lý do liên quan đến tính trung thực trong kinh doanh, sự phục vụ của đội ngũ hay năng lực quản lý của doanh nghiệp…
Một khi sự cố xảy ra, chắc chắn doanh thu và sự tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, sự có mặt thường xuyên trong danh sách hàng đầu của những đợt bình chọn của người tiêu dùng hoặc của những tổ chức uy tín trong và ngoài nước cũng là một cơ sở giúp doanh nghiệp tăng trưởng lâu bền sau này.
Cuộc sống vốn không có gì là tuyệt đối, vì vậy, trên con đường tăng trưởng, doanh nghiệp sẽ ít nhiều gặp rủi ro, cũng như không thể lường hết những yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng không theo dự kiến ban đầu. Tùy theo loại và mức độ rủi ro khác nhau, doanh nghiệp cần có hướng giải quyết ở mức triệt để hoặc tương đối.
Ngoài những rủi ro khách quan như khủng hoảng kinh tế thế giới, trong khu vực hay ngay tại Việt Nam hoặc trường hợp bất khả kháng như hỏa hoạn, lũ lụt…, khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động một phần hoặc hoàn toàn, đối với những rủi ro chủ quan như bất đồng trong nội bộ, đội ngũ tự mãn, lãnh đạo không có tinh thần cầu tiến, hay chất lượng sản phẩm, sản lượng tiêu thụ, sự phục vụ khách hàng… có vấn đề, doanh nghiệp cần phải có hướng xử lý ngay nhằm tránh gây ảnh hưởng, thậm chí thiệt hại nặng nề đến sự tăng trưởng ở hiện tại cũng như trong tương lai.
Tăng trưởng doanh nghiệp Việt nên từng bước đi theo các giai đoạn từ 1 cho đến n như sau:
- Giai đoạn 1: Tăng trưởng đều kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu tăng trưởng.
- Giai đoạn 2: Giữ mức tăng trưởng của giai đoạn 1 và tăng trưởng thêm.
- Giai đoạn 3: Tạo mức tăng trưởng mới bao gồm tăng trưởng giai đoạn 1 và tăng trưởng thêm của giai đoạn 2.
- Giai đoạn 4: Giữ mức tăng trưởng giai đoạn 3 và tăng trưởng thêm.
- Giai đoạn n: Giữ mức tăng trưởng giai đoạn n-1 và tăng trưởng thêm.