Để doanh nghiệp rộng đường gọi vốn

Để doanh nghiệp rộng đường gọi vốn

(ĐTCK) Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kêu cứu cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Nếu Dự thảo sửa đổi nghị định về phát hành trái phiếu riêng lẻ được thông qua, cửa gọi vốn qua kênh trái phiếu đóng lại, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ tắc tử.

Cần chính sách phù hợp với các kênh dẫn vốn

Trong ba kênh cấp vốn phổ biến của các doanh nghiệp Việt Nam, không riêng gì lĩnh vực bất động sản, gồm vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu và phát hành trái phiếu, lâu nay tín dụng ngân hàng đóng vai trò chính.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kênh dẫn vốn này đang có nhiều biến động. Số liệu phân tích từ 18 ngân hàng (TCB, VIB, OCB, TPB, SHB, VPB, HDB, STB, LPB, MBB, CVB, ACB, VBB, BAB, BID, CTG, EIB, ABB) cho thấy, tỷ trọng cho vay ngắn hạn và dài hạn đang có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2016 - 2019; trong khi cho vay trung hạn (từ 1 - 5 năm) đang giảm dần.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng này là sự thắt chặt trong quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đối với các ngân hàng thương mại (từ mức 60% giai đoạn 2015 - 2016 xuống còn 40% năm 2019 và dự kiến giảm dần xuống 30% từ tháng 10/2022 theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN).

Có thể thấy rõ tỷ trọng cho vay kinh doanh và xây dựng giảm dần. Nguyên nhân là Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định nâng hệ số rủi ro lên 200% áp dụng đối với cho vay kinh doanh bất động sản khi tính tỷ lệ CAR, nhằm hạn chế rủi ro bong bóng bất động sản.

Kênh dẫn vốn trái phiếu trong 2 năm gần đây đã trở thành “cứu tinh” cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường cổ phiếu gặp khó, nhà đầu tư thờ ơ với các đợt phát hành tăng vốn.

Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 1/2020, theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là 13.374 tỷ đồng; trong đó, riêng các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 7.364 tỷ đồng, chiếm đến 55%.

Đáng lưu ý là tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên rõ rệt, chiếm 17,6%.

Cái lý để Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kêu cứu cho doanh nghiệp là thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở bị vướng mắc, mất rất nhiều thời gian, dẫn đến doanh nghiệp bị đọng vốn trong nhiều năm (hầu hết dự án mất không dưới 5 năm mới được huy động vốn từ khách hàng).

Trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí lớn như chi phí giải phóng mặt bằng; ký quỹ từ 1 - 3% vốn đầu tư dự án; nộp tiền sử dụng đất trước khi được thi công; chi phí thi công các công trình của dự án mới đến thời điểm đủ điều kiện được huy động vốn; chi phí tài chính, chi phí lãi vay tăng lên theo thời gian dự án bị kéo dài; chi phí quản lý doanh nghiệp; chi phí cơ hội…

Do tác động của dịch cúm Covid-19, thị trường lại càng thêm khó khăn. Bởi vậy, Hiệp hội đề nghị không nên có quan điểm siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm này, mà chỉ nên tập trung xây dựng các quy định pháp luật nhằm tăng cường tính minh bạch của phương án phát hành trái phiếu; trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp phát hành trái phiếu; tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về yêu cầu sử dụng vốn trái phiếu đúng mục đích theo phương án phát hành trái phiếu.

Một chuyên gia có kinh nghiệm hơn 20 năm trên thị trường trái phiếu nhận xét, đề nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM là khá hợp lý, bởi các quy định mới đưa ra trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 163//2018/NĐ-CP  là quá ngặt nghèo. “Chặt quá sẽ không phát hành được”, vị này nhận xét.

Quan điểm chung của nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán cũng như giới chuyên gia tài chính là cần những chính sách hợp lý, vin vào sự phát triển và thực tế vận động trên thị trường.  

Triển vọng nào cho kênh gọi vốn phát hành cổ phiếu?

Trái đắng từ những thương vụ đầu tư mua cổ phiếu phát hành thêm sau đó thị giá xuống dưới giá phát hành khi cổ phiếu chưa kịp về tài khoản khiến không ít nhà đầu tư e dè với kênh đầu tư vào thị trường cổ phiếu.

Trong vòng 3 tháng qua, nhan nhản cổ phiếu bốc hơn gần 50% thị giá. Tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu được nhìn nhận là giải pháp khó thực hiện và cũng không mấy khôn ngoan trong năm 2020, vì vô hình trung có thể gây thiệt hại cho cổ đông.

Trong khi đó, đây lại là thời điểm doanh nghiệp cần vốn để cầm cự qua thời gian kinh doanh khó khăn.

Để kênh dẫn vốn này cải thiện trong thời gian tới, giải pháp căn cơ vẫn nằm ở sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi nền tảng cơ bản của thị trường là triển vọng của nền kinh tế đang có những thách thức lớn dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang cần trợ lực từ các giải pháp như thuế, lãi vay, thủ tục thông thoáng…, không ít nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi về những giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy thị trường chứng khoán.

Câu chuyện được một nhóm nhà đầu tư trao đổi trên sàn gần đây nhân dự thảo chính sách mới áp dụng với thuế thu nhập cá nhân là chuyện đầu tư chứng khoán cơ sở chịu lỗ vẫn phải nộp thuế 0,1% tổng giá trị bán ra.

Hay phí lưu ký tính trên số lượng và giá trị chứng khoán trong tài khoản của các nhà đầu tư dù đơn vị quản lý chỉ cần sử dụng một bút toán giống nhau cũng khiến nhà đầu tư bức xúc.

Thị trường chứng khoán phái sinh non trẻ tiếp tục chịu những bất cập tương tự. Hiện mỗi hợp đồng bất kể lỗ lãi, nhà đầu tư phải trả khoảng 100.000 đồng tiền phí và thuế.

Chưa kể, có những khoản thu rất vô lý như phí quản lý tài sản ký quỹ không ít hơn 400.000 đồng/tháng. Tiền ký quỹ không những không được hưởng lãi (dù chỉ là lãi suất không kỳ hạn như các ngân hàng), mà nhà đầu tư còn phải trả phí rất cao.

Theo tính toán của nhiều nhà đầu tư, phí và thuế “ăn” hết một nửa nếu họ kiếm được lãi, nhưng đa phần nhà đầu tư đang lỗ ở chứng khoán phái sinh.

Lỗ mà vẫn phải nộp nhiều loại thuế phí, chính sách như vậy dễ làm nản lòng nhà đầu tư. Và càng ít nhà đầu tư tham gia, thị trường càng dễ bị bóp méo, càng khó có sự tăng trưởng bền vững, doanh nghiệp càng khó gọi vốn.

Một giải pháp thúc đẩy thị trường được các nhà đầu tư trong và ngoài nước trông chờ năm nay là nhiều doanh nghiệp lớn có tên trong danh sách cổ phần hóa, thoái vốn. Có hàng hóa tốt, thị trường được kỳ vọng sẽ sôi động hơn.

Tuy vậy, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, theo nhận định của nhiều bên trong cuộc, sẽ không thể có bước ngoặt nào đáng kể trong năm nay do liên quan đến việc thực thi các quy định về định giá doanh nghiệp, sắp xếp đất đai trước cổ phần hóa thoái vốn.

Dự thảo nghị định sửa đổi các nút thắt này được Bộ Tài chính dự thảo hầu như không giải quyết được những bế tắc đang diễn ra khi vẫn giữ phần lớn các quy định cũ.

Hàng hóa nghèo nàn, thiếu vắng cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động tốt, quy mô lớn và có sức chống đỡ tốt với bất ổn, kênh đầu tư cổ phiếu không đem lại kết quả tích cực.

Đây chính là những lý do khiến cho tính hiệu quả của thị trường chứng khoán đang bị thách thức. Khi nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ lớn, sẽ là những ví dụ không mấy tích cực thuyết phục họ bỏ vốn vào các đợt phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết.

Tin bài liên quan