Chuyên gia tài chính - kế toán có thể làm gì?
Tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đã có 5 sáng kiến để thúc đẩy phát triển bền vững: Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 có 100% doanh nghiệp tham gia liên minh này tái chế toàn bộ vật liệu đóng gói của mình; không xả thải vào thiên nhiên; dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; thực hiện sử dụng rác thải nhựa tái chế làm đường giao thông; xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp cho Việt Nam.
Ông Tô Vĩ Hùng, Hội viên ACCA, thành viên nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững
Đó là những sáng kiến rất thiết thực cho chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, có giá trị lan toả và “ăn sâu” ở từng doanh nghiệp là việc thực hiện công khai các thông tin về tạo dựng giá trị xã hội và môi trường. Đây chính là lĩnh vực cần có các hành động thiết thực của các chuyên gia kế toán và tài chính.
Qua báo cáo mới nhất về việc tạo dựng giá trị môi trường và xã hội, Hiệp hội Kiểm toán công chứng Anh quốc (ACCA) đã kêu gọi các doanh nghiệp và cả xã hội phối hợp hành động để vượt qua các thách thức trong nỗ lực tạo dựng những giá trị này.
Đáng chú ý, theo báo cáo này, các nhân viên kế toán chuyên nghiệp, những nhóm công tác tài chính kinh doanh và các nhà đầu tư có thể hỗ trợ việc tạo dựng các giá trị xã hội và môi trường theo nhiều cách khác nhau như phân tích rủi ro của các vấn đề biến đổi khí hậu, đánh giá tác động xã hội và tiếp cận các thông tin phi tài chính. Giới chuyên gia tài chính kế toán có vai trò chính trong việc đảm bảo các các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị được tính đến trong các quá trình phân tích đầu tư như định giá tài sản, phân bổ tài sản và quản lý rủi ro.
Từ khía cạnh khác, các thông tin công bố của doanh nghiệp, trong đó dữ liệu về quản trị môi trường và xã hội được xem là nền tảng cho việc ra quyết định của giới đầu tư. Bên cạnh đó, yêu cầu về công bố thông tin cũng cần đi kèm với cách tiếp cận chiến lược mới với tính sáng tạo của mô hình kinh doanh gắn bó chặt chẽ với việc tạo dựng giá trị môi trường và xã hội. Chẳng hạn, nguồn vốn tự nhiên và các nguyên tắc có đi có lại cần được xem là mạch chủ đạo của thực trạng tài chính.
Quyền năng thay đổi tác động của doanh nghiệp tới môi trường và xã hội
Ở cấp độ vĩ mô, 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UN) đã đi đến năm thứ 5, chỉ còn lại 10 năm trước khi đến mốc 2030. Những mục tiêu này đang ngày càng được hiểu là công cụ cho các chính phủ, doanh nghiệp và các nhà đầu tư và xã hội để chung tay cải thiện cách thức tạo ra sự thịnh vượng bền vững và có tính bao trùm với nền kinh tế.
Các cơ quan điều hành đang yêu cầu các doanh nghiệp quản lý tốt hơn tác động môi trường và xã hội để góp phần xây dựng sự thịnh vượng bền vững. Dân chúng đang yêu cầu chính phủ của họ làm việc nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội. Các khách hàng cũng yêu cầu doanh nghiệp và giới tài chính thực hiện điều này. Những sản phầm và dịch vụ mới cần nhận thức rõ cả ảnh hưởng đến xã hội và môi trường nếu muốn gặt hái
thành công.
Thực hành đạo đức kinh doanh không chỉ là điều tốt đẹp cần có
Cụ thể, các doanh nghiệp đang được kêu gọi đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ chính phủ về việc thực thi, hoạt động môi trường và xã hội tốt hơn. Tiếp đó là những yêu cầu lớn hơn từ các nhà đầu tư về việc công bố thông tin chính xác hơn về quản trị xã hội và môi trường.
Doanh nghiệp cũng được khuyến khích hưởng ứng lời kêu gọi từ các thống đốc ngân hàng trung ương để hiểu được rủi ro bền vững tài chính mà tình trạng biến đổi khí hậu có thể tác động lên các thị trường tài chính. Cùng với đó là sự hiểu biết về thay đổi thị hiếu của khách hàng. Từ đó tạo ra những mô hình kinh doanh mới để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng kỳ vọng về môi trường và xã hội. Đặc biệt, doanh nghiệp cần hiểu về một viễn cảnh môi trường bị tổn hại và các vấn đề xã hội ngày càng leo thang.
Khi cùng hành động, các doanh nghiệp trên khắp thế giới sẽ có các cách tiếp cận khác nhau. Riêng với các kế toán viên chuyên nghiệp và những nhóm công tác tài chính, sự tham gia của họ vào những hoạt động này là cần thiết.
Tuy nhiên, để đương đầu với những thách thức phía trước, họ cần phải xây dựng năng lực theo 4 mặt.
Thứ nhất, xây dựng đội ngũ chuyên gia về khoa học - với nền tảng kiến thức mới và hiểu biết sâu rộng hơn về các giới hạn môi trường, những rủi ro và cơ hội. Thứ hai, hiểu tác động xã hội - đánh giá tác động để định nghĩa tốt hơn bối cảnh và mở ra cơ hội cho việc tạo dựng các giá trị thiết thực. Thứ ba, hợp tác nhiều hơn - làm việc với những đối tác đến từ các lĩnh vực khác nhau. Thứ tư, cần nhận dạng tính liên kết của các vấn đề xã hội và môi trường, từ đó thể hiện trong điều hành hoạt động doanh nghiệp cũng như trong các chiến lược và ưu tiên phát triển.
Ông Alan Hatfield, Giám đốc Chiến lược và phát triển của ACCA chia sẻ: “Các đội ngũ chuyên gia kế toán và tài chính có thể góp phần tạo dựng các giá trị môi trường và xã hội theo nhiều cách với nền tảng kỹ năng sẵn có. Bằng việc tương tác với toàn bộ các thành viên trong tổ chức của chính mình và với các bên có liên quan bên ngoài về những thách thức phức tạp, họ sẽ có thể đẩy nhanh sự thay đổi nhận thức về môi trường và công bằng xã hội hơn cho nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi cam kết thúc đẩy quá trình này tiến về phía trước bằng cách phát triển những kế toán viên chuyên nghiệp với các tiếp cận từ nền tảng đạo đức, kết hợp với tầm nhìn rộng hơn về kinh doanh bao trùm các những vấn đề về bền vững, kỹ thuật số, kinh doanh và tài chính”.
Đồng quan điểm, ông Gary Baker, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Viện CFA cho rằng: “Ngành tài chính toàn cầu có quyền năng để tận dụng khối tài sản họ đang quản lý để thay đổi tác động với môi trường và xã hội, cũng như cải thiện năng lực quản trị tổng thể của các công ty.
Về dài hạn, hành động trong phạm vi này hoàn toàn có thể mang lại lợi ích cho các công ty và cổ đông mà họ phục vụ. Các công ty định hướng kiếm lợi ngắn hạn mà bỏ qua rủi ro dài hạn có thể sẽ không bền vững và cuối cùng sẽ bị giới đầu tư loại khỏi danh mục đầu tư để chuyển sang những doanh nghiệp hiệu quả hơn với những giá trị tạo dựng bền vững lâu dài. Giờ là thời điểm để giới chuyên môn nhận ra vai trò cốt yếu trong việc theo đuổi các ngành kinh doanh bền vững và dẫn dắt ngành tài chính để tạo ra tác động tích cực cho xã hội và môi trường”.
Một kết luận đáng chú ý khác được đưa ra bởi ông Marjella Alma, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Công ty Tư vấn tài chính Datamaran khi cho rằng, thực hành đạo đức kinh doanh không chỉ là điều tốt đẹp cần có, xét trên nhiều khía cạnh như quyền con người, quản lý chất thải và biến đổi khí hậu, mà điều này cần trở thành các quy định pháp lý bắt buộc thực hiện. Tuy nhiên, một số công ty vẫn rất thờ ơ và chưa muốn thay đổi.
Theo ông Marjella Alma, cần có hoạt động giám sát mang tính hệ thống nhờ vào công nghệ ngày càng phát triển, qua đó hỗ trợ các công ty bắt nhịp và giải quyết các vấn đề đó một cách triệt để, thực thi các cam kết và trách nhiệm của họ. Điều này cần được bắt đầu từ việc công khai, minh bạch hơn, có chiến lược rõ ràng, cụ thể hơn.