Để doanh nghiệp không khốn khổ

(ĐTCK) Chỉ vì có 4,1% vốn do nhà đầu tư nước ngoài mua trên TTCK, CTCP Dược phẩm Mekophar đã không được quyền phân phối dược phẩm, tạo nên sự thiệt thòi cho hàng nghìn cổ đông, bức xúc rất lớn cho DN.
Để doanh nghiệp không khốn khổ

Nguyên căn của câu chuyện xuất phát từ một văn bản của Bộ Thương mại ban hành năm 2007 quy định, DN có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối dược phẩm. Mekophar, với 4,1% vốn ngoại, đã bị "cắt" đi cái quyền cơ bản trong kinh doanh khiến lãnh đạo DN đã đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, UBCK, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ…, nhưng cuối cùng, DN vẫn phải chọn cái kết là hủy niêm yết và tìm cách mua lại phần vốn của cổ đông ngoại, chỉ để được hoạt động kinh doanh một cách… bình thường.

Dù đã cách đây 3 năm, nhưng vấn đề Mekophar gặp phải vẫn còn là niềm trăn trở. Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt, ông Nhữ Đình Hòa nói rằng, ông quan tâm nhất ở Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới là có xử lý dứt điểm khúc mắc của các DN như Mekophar không, nếu không, DN vẫn sẽ luẩn quẩn trong cái vòng kim cô của luật pháp.

Điều may mắn là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, có hiệu lực từ 1/7/2015 đặt ra những quy định giúp các DN không còn gặp khó như Mekophar. Trong cuộc đối thoại với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh do Báo Đầu tư tổ chức tuần qua, Chủ tịch Tập đoàn Kinder World, ông Ricky Tan đã đặt câu hỏi: trường hợp nào thì DN có vốn đầu tư nước ngoài được đối xử như DN trong nước? Bộ trưởng Vinh trả lời: theo Luật, đó là tất cả các DN có vốn nước ngoài dưới 51%.

Luật đã quy định, DN có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% được đối xử như DN trong nước, nhưng làm thế nào để tinh thần của Luật ngấm vào tất cả các bộ, ngành? Làm thế nào để không còn những văn bản ngáng chân DN như Mekophar?

Trao đổi với Người quan sát, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, cơ quan ông đang làm hai việc: một là soạn thảo nghị định hướng dẫn Luật và hai là rà soát toàn bộ các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được các bộ, ngành, cơ quan chức năng ban hành, gom về một mối, xử lý lại và xây dựng một văn bản pháp lý thống nhất về điều kiện kinh doanh tại Việt Nam.

Tinh thần của văn bản này, theo ông Hiếu, là thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của mọi DN. Riêng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được định danh trong Luật, ông Hiếu cho biết sẽ xây dựng điều kiện cụ thể và minh bạch để DN không "vướng ngang, vướng dọc" như hiện nay.

Sau bước cải cách về tư duy quản lý DN từ CHỌN CHO sang CHỌN BỎ được thể hiện trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới, cộng đồng DN chờ đợi Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cụ thể hóa tinh thần này trong các văn bản hướng dẫn Luật. Đổi mới về tư duy của người làm luật là con đường không thể khác trong bối cảnh Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ nằm trong TOP 4 ASEAN, sánh ngang với các quốc gia phát triển cao hơn là Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Tin bài liên quan