Để doanh nghiệp không bị lỗi thời hạn Đại hội đồng cổ đông thường niên

Để doanh nghiệp không bị lỗi thời hạn Đại hội đồng cổ đông thường niên

(ĐTCK) Vietnam Airlines, Hoàng Anh Gia Lai, Nhựa Bình Minh cùng hàng loạt doanh nghiệp (DN) đã gửi đơn lên Sở Kế hoạch và Ðầu tư, nơi DN đặt trụ sở chính để xin hoãn thời hạn họp Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên. 

Nhiều Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã có công văn chấp thuận đề xuất của DN, nhưng đều yêu cầu thời hạn hoãn không quá 30/6/2020. Tuy nhiên, làm cách nào để DN thực thi được thời hạn này lại là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay.

Cần nhắc lại rằng, DN có thể tổ chức nhiều cuộc họp ÐHCÐ mỗi năm để xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của tất cả các cổ đông.

Tuy nhiên, nếu như các đại hội khác được gọi tên là ÐHCÐ bất thường, có thể “họp” bằng cách lấy ý kiến bằng văn bản, thì cuộc họp ÐHCÐ thường niên yêu cầu DN và các cổ đông phải có thảo luận, tương tác.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, ÐHCÐ thường niên phải thảo luận về kế hoạch kinh doanh, báo cáo tài chính, báo cáo kinh doanh, cổ tức… Theo đó, cuộc họp thường niên không thể tổ chức theo hình thức “tĩnh”, tức là lấy ý kiến bằng văn bản như các cuộc họp cổ đông thông thường.

Khác với tất cả mọi năm, năm nay, đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến nền kinh tế toàn cầu chuyển động chậm lại. Tại Việt Nam, yêu cầu cách ly đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra ở mức cao nhất, cách ly toàn xã hội ít nhất là đến ngày 15/4/2020.

Trong trường hợp thuận lợi nhất, đến ngày 15/4, dịch bệnh không còn căng thẳng, mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường, thì việc tổ chức ÐHCÐ của DN đại chúng sẽ phải thực hiện hết sức nhanh chóng mới có thể kịp thời hạn 30/6/2020.

Theo quy trình, để một DN đại chúng tổ chức ÐHCÐ thường niên cần 12 bước chuẩn bị, bắt đầu từ việc HÐQT ra nghị quyết về tổ chức đại hội, đến việc công bố thông tin đại hội (trước 20 ngày đăng ký cuối cùng), đến việc xây dựng tài liệu họp, in sao, gửi tới cổ đông (trước 10 ngày tổ chức đại hội)…

Quãng thời gian này cần khoảng 1,5 tháng, khiến cái hẹn đại hội trước 30/6 đòi hỏi các DN phải nỗ lực cao độ mới có thể thực thi đúng quy định.

Trong nỗ lực giúp DN thực thi ÐHCÐ đúng hạn, ngày 25/3/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã hướng dẫn DN cách thức để thực hiện ÐHCÐ trực tuyến. Tuy nhiên, giải pháp này có 2 điểm khó với đại đa số DN.

Thứ nhất, đa số DN chưa quy định về hình thức đại hội trực tuyến trong Ðiều lệ và Quy chế quản trị công ty, nên muốn làm, DN buộc phải xin ý kiến cổ đông bằng văn bản (thông qua ÐHCÐ bất thường) để sửa, bổ sung cách làm trực tuyến. Khó khăn thứ hai là khoảng trống nhà cung cấp giải pháp ÐHCÐ trực tuyến tại thị trường Việt Nam hiện nay.

Tìm hiểu của Ðầu tư Chứng khoán được biết, hiện nay, Trung tâm Lưu ký chứng khoán mới cung cấp giải pháp E-voting (bỏ phiếu trực tuyến) chứ không phải E-meeting (cuộc họp trực tuyến).

Tại FPTS, DN này cung cấp được giải pháp họp trực tuyến, nhưng với các DN có hàng nghìn cổ đông, ở các vùng miền khác nhau, giải pháp không thể cung cấp được khả năng tương tác trực tuyến với Ban điều hành cuộc họp. Nhiều DN, ngân hàng lớn như VPBank, MBBank… đã tìm hiểu giải pháp tại FPTS, nhưng chưa chọn giải pháp này cho mùa đại hội năm nay.

Hiện TTCK Việt Nam đang thiếu hụt nhà cung cấp giải pháp ÐHCÐ trực tuyến đúng nghĩa. Trong trường hợp dịch Covid-19 còn kéo dài, nguy cơ 1.800 DN đại chúng bị lỗi thời hạn ÐHCÐ thường niên là khó tránh khỏi.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… đã coi đây là lý do bất khả kháng và cho phép DN được giãn thời hạn nộp báo cáo tài chính cũng như ÐHCÐ ít nhất thêm 2 tháng.

Tại Việt Nam, do thời hạn ÐHCÐ được quy định trong Luật Doanh nghiệp, nên quyền quyết việc giãn, hoãn thuộc Quốc hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sớm đề xuất lên Quốc hội những điểm khó thực tế mà DN và thị trường đang phải đối mặt, với hy vọng Quốc hội sẽ có quyết sách cho phép các DN được giãn thời hạn họp đại hội, “tháo” cho DN nỗi lo phạm luật trong hoàn cảnh đặc biệt của đại dịch năm nay.

Tin bài liên quan