Nóng vội
Rất khó tìm thấy những điểm sáng trong Kết luận thanh tra số 13034/KL - BGTVT về việc quản lý, thực hiện Đề án vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hoàn tất vào giữa tuần trước.
Tại Đề án có tổng mức đầu tư lên tới 931 tỷ đồng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cấp quyết định đầu tư/chủ đầu tư; thực hiện phê duyệt dự án/báo cáo kinh tế kỹ thuật và triển khai thực hiện; Ban Quản lý dự án 3 (đại diện chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ quản lý và điều hành) đã ký hợp đồng với 27 ban quản lý dự án địa phương thuộc 27 Sở GTVT để quản lý dự án, 10 nhà thầu tư vấn thiết kế; 5 nhà thầu tư vấn thẩm tra; 1 nhà thầu tư vấn giám sát; 53 nhà thầu thi công xây lắp và 7 nhà thầu tư vấn kiểm toán dự án hoàn thành.
Cho đến thời điểm Thanh tra Bộ GTVT vào cuộc (tháng 5/2018), toàn bộ cầu thuộc Đề án đã được đưa vào khai thác trước đó từ 1 - 2 năm. Đây cũng là thời điểm để những sai sót liên quan đến việc tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản; những bất cập về hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình trên thực địa của Đề án gần như bị “lộ sáng”.
Cụ thể, trong công tác khảo sát, lập, thẩm định Đề án đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án 3 thực hiện sơ sài.
Tại thời điểm thanh tra, Ban Quản lý dự án 3 chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ, số liệu hiện trạng kinh tế xã hội, mạng lưới giao thông, các quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; hồ sơ điều tra sơ bộ tình hình thủy văn chủ yếu, mực nước lũ lịch sử tại vị trí các cầu; hồ sơ xác định sơ bộ về đặc điểm hiện trạng sông suối, chiều rộng vượt sông suối tại các vị trí dự kiến xây dựng, điều kiện vượt sông suối hiện tại; ảnh chụp vị trí cầu; số liệu điều tra vùng, số dân cư hưởng lợi, tình trạng giao thông liên quan.
Thanh tra Bộ GTVT phát hiện Đề án còn thiếu một số hồ sơ làm việc với địa phương để thống nhất vị trí và quy mô xây dựng cầu, thậm chí thiếu các văn bản lấy ý kiến và thỏa thuận với các bộ, ngành, địa phương; thiếu báo cáo thẩm định đề án của cơ quan chuyên môn.
Một số cầu vị trí chưa hợp lý và chưa phù hợp theo tiêu chí của Đề án, hoặc cầu đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn khác; đầu tư tại nơi mà số dân hưởng lợi chưa phù hợp, vị trí không hợp lý về thủy văn… dẫn đến quá trình triển khai thực hiện đầu tư có rất nhiều cầu phải thay đổi về vị trí và quy mô đầu tư.
Sự nóng vội của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án 3 còn thể hiện rõ ở chỗ, một số đơn vị tư vấn lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật được giao nhiệm vụ trước thời điểm phê duyệt Đề án.
Gánh nặng nợ nần
Bộ GTVT khẳng định, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn là chưa đủ cơ sở và chưa phù hợp.
Theo đó, các quyết định chỉ định thầu, hợp đồng xây lắp, hợp đồng tư vấn trong giai đoạn từ tháng 12/2014 đến tháng 1/2015 đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án 3 phê duyệt và ký kết khi chưa xác định được yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc, chất lượng công việc và giá trị tương ứng .
Trên thực tế, toàn bộ gói thầu tư vấn, xây lắp đều chỉ định thầu, mà không có hồ sơ đề xuất, hồ sơ quá trình lựa chọn nhà thầu… chỉ có văn bản xác định nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện gói thầu; trong quá trình thi công, nhiều nhà thầu yếu năng lực, không có kinh nghiệm thi công làm kéo dài thời gian thi công; đã phải xử lý thay đổi nhà thầu .
Thậm chí, để đẩy nhanh tiến độ, hồ sơ chỉ định thầu còn được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện sau khi các nhà thầu đã tiến hành thi công; các nhà thầu thực hiện thi công khi công trình chưa được lập và phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật...
Rõ ràng, không thể lấy lý do “đảm bảo tiến độ” để bào chữa cho những vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu.
Tại Kết luận số 13034, Thanh tra Bộ GTVT khẳng định, các gói thầu thuộc phạm vi Đề án đều thi công chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký với chủ đầu tư từ 3 tháng đến 24 tháng, nhưng không bị xử lý vi phạm theo quy định.
Kiểm tra tại hiện trường, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện chất lượng một số cấu kiện thép trên cầu tại một số cầu chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.
Tại các công trình cầu Bản Kè, cây Xoài, Tam Cấp, cầu Ồ Ồ thôn 4, Tổ Giác, Kon Hơng Lẽh... có hiện tượng han gỉ kết cấu thép, các loại cáp chân cột tháp phía bên trong, cục bộ một số vị trí trên trụ tháp, hệ thống cáp lan can, cóc kẹp cáp, cáp chủ, cáp chống lật, cáp giằng, tăng đơ, thanh neo, thanh thép chôn sẵn trong bê tông trụ tháp liên kết với dầm dọc tại vị trí gối cầu, thép dầm ngang và dầm dọc của nhịp dẫn; Tại cầu Vân Phú, Thôn Đồi thì phía bên trong chân cột tháp bị đọng nước; Cầu Bản Kè, Vân Phú, Thôn Đồi, Hjú thiếu bu lông liên kết mặt cầu nhịp dẫn do lỗ bu lông không liên kết được với dầm tại vị trí giữa mặt cầu.
Một tồn tại rất lớn tại Đề án chính là việc cân đối, bố trí vốn không kịp thời, gây phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Hiện nhiều nhà thầu tham gia Đề án vẫn chưa được thanh toán đầy đủ dù đã bàn giao công trình cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam cách đây hơn 2 năm. Tính đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư vẫn nợ các đơn vị thi công gần 30% chi phí đầu tư Đề án.
Chính vì vậy, nhiều nhà thầu đã gửi văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam thanh toán sớm, dứt điểm các khoản nợ khối lượng, trong đó Công ty cổ phần Xây lắp 1 - Petrolimex đòi 6,75/13,26 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng 465 đòi 20,55 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đòi 54 tỷ đồng; Công ty TNHH Quang Tiến Đăk Lăk đòi 8,01 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cầu đường Đông Nam đòi 7,33 tỷ đồng…