Với kết quả này, cổ đông đề nghị điều chỉnh kế hoạch 2018. Tuy nhiên, ông Tiến cho biết, về kế hoạch lợi nhuận, DCM phải lập trên cơ sở thực tế.
“Chúng tôi kỳ vọng giống như năm 2017, ban đầu kế hoạch khá thấp nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để có kết quả tốt nhất dù không điều chỉnh kế hoạch. DCM đang được sự hỗ trợ giá khí của Chính phủ để đạt lợi nhuận 12% trên vốn chủ sở hữu, chúng tôi cố gắng đạt lợi nhuận tối đa. Tuy nhiên, năm 2019 khi không có trợ giá, có thể có thêm lợi nhuận từ các sản phẩm khác”, ông Tiến nói.
Theo kinh nghiệm khảo sát, các nước có sản xuất khí trên thế giới đều có chính sách với mặt hàng phân đạm. Hiện nay, DCM đang đàm phán hợp đồng dài hạn với Tập đoàn Dầu khí về giá khí trên cơ sở giá hợp lý theo giá thị trường. Hiện Tập đoàn đang báo cáo Bộ Công thương, trình Chính phủ.
“Khi có thông tin cụ thể Tổng công ty sẽ thông báo, nhưng chúng tôi tin tưởng sẽ có chính sách giá khí hợp lý cho mặt hàng này vì liên quan đến an ninh lương thực”, ông Tiến trả lời chất vấn cổ đông về giá khí.
Về phía DCM cũng có giải pháp tối ưu hóa sản xuất và đầu tư để có sản mới, để vượt qua thách thức về giá khí đầu vào cho sản xuất urea trong thời tới. Bên cạnh dự án NPK, DCM sẽ đầu tư một nhà máy phân bón hữu cơ.
Trả lời chất vấn của cổ đông về việc dự án NPK của DCM có gì khác biệt so với dự án NPK của DPM, ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc DCM cho biết, nhà máy sử dụng dây chuyền công nghệ nhập từ Tây Ban Nha mà NPK sử dụng urea nóng chảy trực tiếp từ dây chuyền hiện nay, giúp có độ hòa tan cao, sản xuất sản phẩm cao cấp.
Không chỉ sản phẩm NPK, mà còn kết hợp các sinh tố vi lượng, đặc biệt là sinh học để tạo sự khác biết. Dự kiến, quý I/2019 sẽ có sản phẩm NPK trên thị trường.
Ông Tiến nói thêm, DCM xác định chỉ sản xuất sản phẩm phân bón chất lượng cao. Thị trường mục tiêu là thị trường đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ NPK lớn nhất hiện nay với lợi thế nhà máy gần thị trường và có thương hiệu thì DCM kỳ vọng sản phẩm NPK sẽ chiếm lĩnh thị phần ở đồng bằng sông Cửu Long.